Bắc Kạn: Ban hành Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2008 đến năm 2012.

12/06/2008

Thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn từ năm 2003- 2007. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng công tác PBGDPL tại địa phương, từ đó đã tại ra một bước chuyển biến mạnh mẽ của công tác PBGDPL. Đây là giai đoạn mà các hoạt động PBGDPL được triển khai tương đối rộng khắp và có chiều sâu. Các cấp chính quyền ngày càng coi trọng hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL đồng thời xác định phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành, làm cho nhân dân thấy sự cần thiết phải tìm hiểu pháp luật, tạo ý thức, thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương chính sách lớn của Đảng và nhà nước, tham gia giám sát hoạt động cơ quan nhà nước, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật góp phần giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội... 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn một thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ, nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện địa hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 06/6/2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình PBGDPL trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2008 đến năm 2012. Chương trình đã đề ra các mục tiêu cụ thể như:

- 80% người dân trên toàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

-.100% cán bộ, công chức nắm vững kiến thức pháp luật liên quan tới hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

- 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; 80% người lao động được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động.

- 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nắm vững các quy định pháp luật về an ninh, quốc phòng.

- 100% thanh thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp đến đối tượng này.

Để đạt được các mục tiêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đề ra các biện pháp để tập trung thực hiện có hiệu đó là:

Củng cố phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, cán bộ pháp chế, cán bộ công chức các cơ quan thực thi pháp luật nắm vững về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên tuyên giáo các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn thường xuyên tổ hoà giải ở các thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư; nâng cao vai trò của hoà giải viên trong vic tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật  cho nhân dân ở cơ sở. Phát huy vai trò của các luật gia, cán bộ công đoàn, cán bộ Đoàn thanh niên, đội thanh niên tình nguyện, cán bộ của các tổ chức đoàn thể, xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai các biện pháp hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể:

- Tăng cường giới thiệu các quy định pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng. Chú trọng việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới tận cơ sở, người dân. Đổi mới phương pháp giới thiệu văn bản pháp luật theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền nhằm nâng cao tính chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức pháp luật. 

- Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của học sinh, sinh viên và tính thực tiễn trong bài giảng của giáo viên, giảng viên; xây dựng Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật ở 100% các trường học. 

- Phát huy hiệu quả tuyên truyền trên các ph­ương tiện thông tin đại chúng, tăng thời lượng, bảo đảm chính xác về nội dung, hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên báo chí bằng tiếng dân tộc thiểu số; 

- Đa dạng hoá các loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng, bao gồm: sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, pa nô, áp phích. Chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng tài liệu từ ngăn sách pháp luật thôn bản, tổ phố, tủ sách pháp luật xã phường, thị trấn và tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học: 

- Phát huy vai trò của hoạt động hoà giải ở cơ sở trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý công tác hoà giải từ tỉnh đến cơ sở. 

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các loại hình câu lạc bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật trong đó tập trung đổi mới  phương pháp, cách thức tuyên truyền pháp luật tại câu lạc bộ theo hướng sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề, trao đổi giải đáp tình huống pháp luật. 

- Đổi mới và đa dạng hoá các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật. 

- Phát triển các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình trợ giúp pháp lý, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể. 

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước như hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan Công an, kiểm sát, toà án và hoạt động thực thi  công vụ công vụ của cơ quan  quản lý thị trường , kiểm lâm, hải quan, thuế, chính quyền cơ sở. 

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của thôn bản tổ phố, điều lệ của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Thực hiện lồng ghép với các chương trình kinh tế, xã hội khác đang được triển khai; phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật. 

Chương trình PBGDPL giai đoạn 2008-2012 là một chương trình hoạt động lớn và sâu rộng, với các mục tiêu, biện pháp cụ thể đã đề ra thì đến hết năm 2012 khi kết thúc việc thực hiện Chương trình chắc chắn công tác PBGDPL sẽ đạt được những kết quả quan trọng, tạo một bước đột biến trong nhận thức pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hương Loan