Thực trạng tổ chức và hoạt động pháp chế của tỉnh Bắc Kạn.

12/06/2008
Ngày 18/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Doanh nghiệp nhà nước, trong đó quy định cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu công tác pháp chế của cơ quan có Phòng pháp chế hoặc công chức pháp chế chuyên trách. Việc thành lập Phòng pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh do UBND quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn. Ngày 31/ 8/ 2005 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2005/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 122/2004/NĐ-CP. Các văn bản trên đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế và tăng cường hiệu quả hoạt động pháp chế ở các bộ, ngành UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện các văn bản trên, từ năm 2006 UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và bố trí biên chế làm công chức pháp chế chuyên trách cho các sở, ban, ngành. Ngày 03/5/2006 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-UBND công nhận 28 cán bộ làm công tác pháp chế kiêm cộng tác viên kiểm tra văn bản quy pháp luật cấp tỉnh (trong đó có 10 người có trình độ chuyên môn Đại học Luật, 18 người có trình độ chuyên môn khác). Theo Quyết định này, số cơ quan có cán bộ pháp chế bao gồm:

+ Khối đơn vị hành chính: 12 đơn vị; 

+ Khối kinh tế: 06 đơn vị; 

+ Khối lực lượng vũ trang: 02 đơn vị; 

+ Khối Doanh nghiệp: 02 đơn vị. 

Đồng thời đ có cơ sở trong hoạt động xây dựng pháp luật ở địa phương, ngoài các văn bản của Trung ương, UBND tỉnh đã xây dựng thể chế về công tác này, cụ thể đã ban hành Quyết định số 3189/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 về việc ban hành Quy định về ban hành, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 28/2007/QĐ-UBND ngày 12/01/2007 về việc ban hành Quy chế tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; ban hành Quy chế cộng tác viên kiểm tra văn bản.

Với nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật; tổ chức rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); kiểm tra văn bản QPPL, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện các công tác khác được giao. Trong thời gian qua, trên cơ sở văn bản của Trung ương và địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện việc tham mưu cho lãnh đạo sở, ngành, đơn vị đối với công tác soạn thảo; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; tham gia ý kiến đối với các dự thảo Luật, Pháp lệnh có hiệu quả, nhiều dự thảo văn bản trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đạt chất lượng cao như: Cán bộ pháp chế của Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài việc tham mưu trong công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của địa phương vai trò của đội ngũ cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được phát huy tốt. Nhiều đơn vị đạt thành tích xuất sắc được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen như cán bộ pháp chế của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Thông qua đội ngũ cán bộ pháp chế, nhiều cơ quan, đơn vị đã phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước, đơn vị thực hiện tốt: Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê, Điện lực tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh…

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác pháp chế còn bộc lộ những yếu kém như: Chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên chưa đồng đều, việc triển khai công việc còn bị động; nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng đối với công tác pháp chế của ngành nên chưa bố trí biên chế theo quy định. Có cơ quan, đơn vị tuy là một ngành lớn có nhiều hoạt động liên quan đến công tác pháp chế nhưng chỉ bố trí 01 cán bộ hoạt động mang tính kiêm nhiệm như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh nên khi triển khai công việc còn gặp không ít khó khăn, hiệu quả công việc chưa cao; việc tập huấn kiến thức pháp lý cho đội ngũ cán bộ pháp chế chưa thường xuyên. Tài liệu phục vụ công tác còn thiếu…

Trong thời gian tới đội ngũ cán bộ pháp chế của tỉnh cần tiếp tục được củng cố về cả chất lượng và số lượng, trong đó chú trọng công tác tập huấn về tất cả các mặt công tác đặc biệt là công tác xây dựng văn bản QPPL để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL, góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi của hệ thống văn bản QPPL ở địa phương. 

Hương Loan