Quảng Ngãi: Thực trạng công tác giám định tư pháp và những kiến nghị

11/06/2008
Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án. Như vậy, công tác giám định tư pháp có vai trò ý nghĩa rất quan trọng cho việc giải quyết các vụ án được đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội.

Việc triển khai các văn bản quy định về lĩnh vực giám định tư pháp:  

Để các quy định của pháp luật về giám định tư pháp được thực hiện trong thực tiễn, trong từng thời gian nhất định,  Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tổ chức triển khai Nghị định 117 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1988, Pháp lệnh Giám định Tư pháp năm 2004 và Nghị định 67 của Chính phủ năm 2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp cho lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các Giám định viên pháp y trong tỉnh để biết, nắm rõ, nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác này và thực hiện có hiệu quả. 

Về thực trạng tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và công tác quản lý về giám định tư pháp:  

Tháng 5 năm 2006, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo kiện toàn, củng cố về tổ chức đối với các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004 và Nghị định số 67 của Chính phủ. Theo đó: 

Đối với Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố vì là tỉnh chưa đủ điều kiện về giám định viên chuyên trách theo quy định tại điều  22 Pháp lệnh giám định tư pháp và điều 8 Nghị định 67 của Chính phủ để thành lập Trung tâm pháp y tỉnh  nên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế có trách nhiệm khẩn trương xây dựng Đề án và thống nhất với Sở Tư pháp để thành lập Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện và lập hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh bổ nhiệm giám định viên pháp y để hoạt động. Đến nay, Sở Tư pháp và Sở Y tế đã thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người và tháng 12 năm 2007 Sở Y tế đã thành lập Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có Trưởng phòng, 01 Phó trưởng phòng (là hai giám định viên chuyên trách), các nhân viên và đi vào hoạt động từ đó cho đến nay, bước đầu đưa công tác này vào nề nếp. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm lại và lập hồ sơ trình Bộ Tư pháp cấp thẻ 06 giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực giám định pháp y (tai, mũi, họng; mắt; sản khoa; da liễu...) để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. 

Đối với giám định Kỹ thuật Hình sự, tháng 4 năm 1995 Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyết định thành lập Tổ chức giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự (chỉ có 02 giám định viên) và bổ nhiệm các giám định viên để thực hiện nhiệm vụ. Các Giám định viên của Phòng kỹ thuật Hình sự có sự thay đổi theo từng thời gian cụ thể. Để thực hiện tốt quy định về thẩm quyền tại điều 14 (không còn Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự mà thay vào đó là Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh) và xử lý chuyển tiếp theo điều 27 Nghị định 67 của Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ báo cáo hiện trạng về tổ chức và hoạt động của Tổ chức giám định tư pháp về mặt kỹ thuật hình sự của tỉnh và có hướng xử lý. Theo đó, Công an tỉnh đã tham mưu củng cố, kiện toàn Tổ chức giám định tư pháp về mặt kỹ thuật hình sự của tỉnh và được đổi tên thành Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, có con dấu riêng và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật từ tháng 12 năm 2006. Hiện nay, Phòng kỹ thuật hình sự có 14 giám định viên thực hiện các lĩnh vực giám định như: Pháp y, đường vân, công cụ súng đạn, hoá pháp lý, chữ viết kỹ thuật tài liệu, ký tự súng đạn chìm trên kim loại. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm lại và lập hồ sơ trình Bộ Tư pháp cấp thẻ cho 07 giám định viên tư pháp  thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự để có cơ sở pháp lý hoạt động.  

Đối với tổ chức giám định pháp y tâm thần, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi chưa có Bệnh viện tâm thần mà chỉ có Trung tâm sức khoẻ tâm thần, nên Chủ tịch Uỷ nhân dân tỉnh chỉ đạo giao cho Trung tâm sức khoẻ tâm thần tỉnh thực hiện việc thực hiện giám định pháp y tâm thần khi được trưng cầu và hiện nay Trung tâm và các giám định viên trong lĩnh vực này đang thực hiện tốt nhiệm vụ giám định của mình đạt được những kết quả nhất định. 

Đối với giám định theo vụ việc, theo điều 27 của Nghị định 67 về quy định chuyển tiếp thì trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, các tổ chức giám định tư pháp ở lĩnh vực văn hoá, tài chính kế toán, xây dựng, khoa học - kỹ thuật được thành lập theo Nghị định 117 năm 1988 trên địa bàn tỉnh phải giải thể. Do đó, để thực hiện tốt quy định này và theo 11 Pháp lệnh giám định tư pháp và điều 5 Nghị định 67 của Chính phủ, trong năm 2006 Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn trong tỉnh lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Bộ Tư pháp công nhận 15 cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn cao trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, tài chính, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, thú y, thẩm định thiết kế xây dựng, điện dân dụng, cơ khí và văn hoá là giám định tư pháp theo vụ việc (là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Tư pháp công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc) nên bước đầu đáp ứng việc trưng cầu giám định tư pháp đối với một số lĩnh vực nông nghiệp, tài chính và văn hoá.  

Đối với công tác quản lý nhà nước, thực hiện theo điều 41, 45 của Pháp lệnh giám định tư pháp và điều 25 Nghị định 67 của Chính phủ, trong những năm qua Sở Tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp. Sở đã tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ cho các giám định viên; phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn và họp đánh giá tình hình hoạt động, những ưu điểm, tồn tại và đề ra biện pháp khắc phục cho 6 tháng và hàng năm. Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho các giám định viên, Sở cũng đã phối hợp với các Sở, Ngành chuyên môn cử 17 Giám định viên, giám định tư pháp theo vụ việc và chuyên viên theo dõi lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Sở tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lĩnh vực giám định do Bộ Tư pháp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 2006, 2007. Bên cạnh đo, để tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác giám định pháp y phục vụ cho công tác điều tra, truy tố xét xử tội phạm, tháng 5 năm 2007 Công an tỉnh và Sở Y tế đã phối hợp ban hành Quy chế phối hợp công tác giám định pháp y. Đây là cơ sở để hai ngành bước đầu thực hiện công tác giám định tư pháp kịp thời, nhanh chóng và đạt hiệu quả. 

Đối với  kết quả hoạt động, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã giúp cơ quan điều tra xác định tính chất đúng đắn của vụ việc, kết quả phục vụ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, tổ chức giám định pháp y và Phòng kỹ thuật hình sự đã thực hiện 2.172 vụ việc. Nhìn chung hoạt động của các tổ chức này đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân và cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác giám định tư pháp theo vụ việc bước đầu đã đi vào hoạt động, sau khi được trưng cầu giám định về lĩnh vực lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cử người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định vụ việc theo yêu cầu và đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp.         

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, công tác giám định tư pháp tỉnh Quảng Ngãi còn có những bất cập, tồn tại; đó là: 

Thứ nhất, mặc dù Nghị quyết 48 năm 2002 và Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rất rõ vai trò quan trọng và trách nhiệm của các cấp, các ngành phải thực hiện nhưng trong thực tiễn ở địa phương việc nhận thức đúng để thực hiện đạt hiệu quả đối với công tác này vẫn còn những bất cập, chưa được thực sự chú trọng. 

Thứ hai,  Nghị định 67 năm 2005 của Chính phủ có qui định Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước một số công việc trong lĩnh vực giám định tư pháp nhưng chưa qui định rõ ràng về cơ chế, đầu mối quản lý (các tổ chức giám định và người giám định không thuộc quyền quản lý của Sở Tư pháp), Bộ Tư pháp lại chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc phối hợp tham mưu trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, khó thực hiện, không sâu sát và thực hiện không kịp thời với các nội dung: Về trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định trên địa bàn tỉnh cho Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Đặc biệt kinh phí để Sở Tư pháp quản lý đối với hoạt động này hầu như không có. 

Thứ ba, Điều 12 Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2005 quy định Chính phủ có trách nhiệm quy định về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao đối với người giám định tư pháp nhưng đến nay gần 3 năm nhưng vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp được Chính phủ ban hành đã trên 10-12 năm, đến nay vẫn chưa được sửa đổi bổ sung, mức chi này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Quyết định 160 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 57 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Và căn cứ điều 6, khoản 3 Nghị định 67 năm 2005 quy định Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về phụ cấp, bồi dưỡng, mức thù lao cho từng lĩnh vực giám định nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay vẫn còn phải thực hiện theo Thông tư liên bộ 355 năm 1996 của Liên bộ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp và Thông tư liên tịch 04 năm 1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp. Do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đối với những người làm công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần và giám định tư pháp theo vụ việc nên chưa tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp, không ai muốn làm công tác này dẫn đến kết quả hoạt động này còn hạn chế.  

Thứ tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức giám định còn thiếu, phần nào chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới do các nguyên nhân: Pháp lệnh và Nghị định 67 chưa quy định rõ cơ chế, hành lang pháp lý các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp không quản lý trực tiếp đối với các tổ chức giám định nên Sở Tư pháp không có cơ sở để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ được.

 Thứ năm, công tác giám định theo vụ việc còn một số bất cập, nên hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân: Một số cơ quan không muốn cử người làm giám định viên tư pháp theo vụ việc, người được cử cũng không mấy tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ; một số lĩnh vực giám định lại chưa có người để thực hiện việc giám định như ngân hàng, thuế...; hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quyền, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của giám định viên vụ việc đối với Thủ trưởng đơn vị và Thủ trưởng của cơ quan tư pháp (là cơ quan quản lý nhà nước) nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, ở tỉnh Quảng Ngãi có trường hợp cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tập thể trong lĩnh vực tài chính, cơ quan chủ quản không thể thực hiện được bởi các lý do: Một mặt, quy định của pháp luật về lĩnh vực giám định quy định chưa rõ về việc trưng cầu tập thể trong lúc quy định bắt buộc giải thể các tổ chức giám định văn hoá, tài chính trước kia; mặt khác giám định tài chính chỉ có 01 đến 02 người, ngoài việc thực hiện kiêm nhiệm công tác giám định thì bản thân người đó phải đảm trách công tác chuyên môn và là công tác chính không thể không hoàn thành nên Lãnh đạo quản lý trực tiếp của các giám định viên không thể cùng một lúc cử nhiều giám định viên thực hiện nhiệm vụ này được. Đây là điều bất cập và khó khăn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giám định tư pháp theo vụ việc.  

Để thực hiện đúng Chương trình Bộ Tư pháp năm 2008, là năm công tác giám định tư pháp được xem là công tác trọng tâm hàng đầu của năm 2008; đồng thời nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác giám định tư pháp vào thực tiễn, góp phần phục vụ cho việc giải quyết  các vụ án một cách đúng đắn và khách quan, điều cần thiết cần phải làm là:

 1. Đề nghị Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế quản lý, đầu mối quản lý, mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm của Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004 và Nghị định 67 của Chính phủ năm 2005 về trình bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc; kinh phí quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp; báo cáo hoạt động giám định trên địa bàn tỉnh cho Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp. Đặc biệt là cơ chế, hành lang pháp lý về các biện pháp hỗ trợ đối với các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh để Sở Tư pháp có cơ sở để tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, góp phần cho hoạt động này đạt hiệu quả. 

2. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về  chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao cho các giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với tình thực tiễn hiện nay nhằm thay thế các văn bản đã lỗi thời như: Quyết định 160 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 57 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị Bộ đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và thù lao cho các giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư liên bộ 355 năm 1996 của liên bộ Ban tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp và Thông tư liên tịch 04 năm 1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Tư pháp cho phù hơp với tình hình thực tế. 

3. Bộ Tư pháp cần đề nghị Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo sâu sát về công tác chuyên môn hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.   Đề nghị Bộ Công an quan tâm hơn nữa đối với cơ sở, vật chất và phương tiện hoạt động cho Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an tỉnh. Đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm đào tạo kịp thời cho các bác sỹ về lĩnh vực chuyên môn giám định pháp y để đủ điều kiện bổ nhiệm giám định viên hoạt động trong lĩnh vực này. 

4.  Đề nghị Bộ Tư pháp cần quy định cấp thẻ cho giám định viên tư pháp theo vụ việc để tạo điều kiện pháp lý cho giám định viên thực hiện nhiệm vụ của mình./.

Hữu Duy