Hiệu quả công tác phối hợp Tuyên truyền PBGDPL và TGPL trong qúa trình thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ở Ninh Bình

12/06/2008
Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, chính sách của nhà nước cho nông dân, qua đó giúp nông dân thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giáo dục phân tích cho hội viên Hội nông dân thấy rõ tác hại và trách nhiệm pháp lý của việc không chấp hành pháp luật, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc pháp luật trong cuộc sống, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, xây dựng ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tham gia quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế xã hội làm giàu cho gia đình và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Ngày 12/7/2002, Sở Tư pháp Ninh Bình đã tham gia buổi lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2001 về việc tạo điều kiện cho hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo. Sau 5 năm thực hiện (2003-2007) công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao cơ chế phối hợp, Chương trình Tuyên truyền phổ bíến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giữa Sở Tư pháp với Hội Nông dân tỉnh được thực hiện lồng ghép trong các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chung của tỉnh: Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2003-2007 trong việc thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phổ biến nội dung của Luật Đất đai giai đoạn 2004-2007 đến đối tượng là nông dân, người quản lý, người sử dụng đất; Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 -2010 (Chương trình 212).  Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá thông tin, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uỷ ban dân tộc và Hội Nông dân Việt Nam về việc phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Với vai trò của cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, định kỳ hàng năm căn cứ vào yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Sở Tư pháp xây dựng các kế hoạch Tuyên truyền PBGDPL cho các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của hội đồng, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật, giữa Sở Tư pháp với các tổ chức chính trị xã hội. UBND các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào kế hoạch chung xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể cho đơn vị cơ quan mình. Thực hiện Dự án ‘Hỗ trợ hệ thống Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009” tại Ninh Bình, tạo điều kiện cho các hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị xã hội được thụ hưởng các chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước, Sở Tư pháp  đã tiến hành ký kết Chương trình Trợ giúp pháp lý với: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Liên đoàn lao động tỉnh.  

5 năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác phối hợp Tuyên truyền PBGDPL và TGPL đã được triển khai đều khắp từ tỉnh đến các  xã, phường, thị trấn. Đã từng bước đổi mới các biện pháp phối hợp, chọn lựa những nội dung phù hợp đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật đến từng đối tượng, từng vùng miền khác nhau. Kịp thời chuyển tải được các văn bản pháp luật quan trọng đến đông đảo cán bộ, hội viên Hội nông dân, cung cấp những kiến thức pháp luật cần thiết tạo điều kiện cho hội viên Hội nông dân có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trước những quan hệ có liên quan đến pháp luật trên cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức pháp luật. Mỗi hội viên nông dân đã tự trang bị cho mình kỹ năng cần thiết trở thành những cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật tích cực, tiến tới xây dựng mô hình “hội viên vận động hội viên”, “hội viên vận động  dân cư nơi mình cư trú” cùng thực hiện và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.  

Sở Tư pháp phối hợp với Hội nông dân đã tổ chức được 2185 đợt tập huấn mang tính chuyền đề triển khai các văn bản pháp luật mới liên quan thiết thực đến đời sống của nông dân nông thôn đặc biệt là nông dân ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn cho 347.898 lượt người tham dự. Các văn bản pháp luật đã được tập trung  tuyên truyền: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật hôn nhân gia đình, Luật bầu cử HĐND và UBND, Luật biên giới quốc gia, Luật giao thông đường thuỷ nội địa, Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt,  Luật hợp tác xã, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật nhà ở, Luật trợ giúp pháp lý, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo... Biên soạn, in ấn và cấp phát miễn phí cho các tầng lớp nhân dân 33.560 các loại tờ rơi tờ gấp tuyên truyền với nội dung: một số quy định về kiện hành chính, một số quy định về dân số, Bạn với một số quy định pháp luật về tài sản và quyền sở hữu, một số chế độ chính sách đối với gia đình liệt sỹ, một số chính sách về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Đã in sao 303 băng, đĩa hình, đĩa tiếng các loại tuyên truyền pháp luật với nội dung: Câu chuyện pháp luật về quyền sở hữu, câu chuyện pháp luật về lao động, hỏi đáp pháp luật về bảo hiểm xã hội, câu chuyện pháp luật về bồi thường thiệt hại để Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn làm tài liệu tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cơ sở. In ấn, phát hành 24.000 cuốn Bản tin tư pháp cấp phát miễn phí cho các sở, ban ngành, các cơ quan đơn vị, 8/8 các huyện, thành phố, thị xã và 147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nội dung bản tin đăng tải các văn bản pháp luật, các tin bài phản ánh hoạt động thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân cơ quan đơn vị trên địa bàn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hoà giải cơ sở, xây dựng khai thác tủ sách pháp luật, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong đó có 1200 cuốn chuyên đề về triển khai thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo. Thực hiện được 60 chuyên mục Pháp luật và đời sống trên sóng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Bình (1 tháng 1 chuyên mục) nội dung là các tin bài, phóng sự phản ánh tình hình thực thi pháp luật, tình hình triển khai Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, kết quả thực hiện mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 trong tỉnh, tập trung giải đáp những vướng mắc pháp luật của bạn xem truyền hình về các vấn đề xử lý vi phạm an toàn giao thông, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, những quy định liên quan đến Luật nhà ở, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật khiếu nại tố cáo… qua đó có tác dụng tích cực tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 182 tủ sách pháp luật ở 147/147 xã, phường, thị trấn và các điểm bưu điện văn hoá xã, đồng thời Sở Tư pháp cũng đã thường xuyên cấp phát miễn phí các tài liệu sách báo theo chương trình hỗ trợ của Vụ phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Hội Nông dân xây dựng 16 tủ sách pháp luật của Hội ở các xã, phường , thôn, xóm cung cấp kịp thời  sách báo pháp luật, kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân học tập tìm hiểu pháp luật được thuận tiện, điển hình như 3 tủ sách pháp luật ở xã Khánh Phú được đặt tại 3 thôn. Đây được xem là mô hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Thực tế nhiều tủ sách pháp luật đã được khai thác có hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tra cứu và tìm đọc. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế đối với các hoạt động của hội nhưng các tủ sách pháp luật của Hội nông dân ở cơ sở nói trên đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu tra cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật của đại đa cán bộ Hội và nông dân.  

 Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Hội nông dân thành lập thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Yên Nhân huyện Yên Mô, theo đó thành viên là các hội viên hội nông dân tại thôn xóm, Câu lạc bộ có Ban chủ nhiệm, có quy chế hoạt động riêng. Thực tế cho thấy hoạt động của Câu lạc bộ đã trở thành sân chơi bổ ích cho các hội viên nông dân, giúp các hội viên cùng tháo gỡ những vướng mắc pháp luật củng cố và phát huy được các phong trào của hội tại cơ sở. Bên cạnh đó thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam giai đoạn 2005-2009 tại Ninh Bình”, Sở Tư pháp ra Quyết định thành lập 10 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý có thành viên là cán bộ, hội viên của Hội nông dân tại các xã, phường tham gia. Định kỳ mỗi tháng một lần Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt nhằm  tư vấn giải đáp những vướng mắc pháp luật của các thành viên, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các thành viên trong việc giải quyết những vướng mắc phát sinh ngay tại khu dân cư mình sinh sống. Thành viên của các Câu lạc bộ được xem là lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng cốt cán nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và nông dân, tuyên truyền vận động cho nông dân và các đối tượng khác tại địa phương cùng tham gia thực hiện pháp luật. Mỗi Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý được cung cấp gần 40 đầu sách pháp luật các loại, 01 số báo Pháp luật Việt Nam phục vụ cho nhu cầu tham khảo nghiên cứu và sinh hoạt của các hội viên. Điển hình như Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý xã Yên Lộc huyện Kim Sơn, xã Khánh Thượng huyện Yên Mô, phường Trung Sơn thị xã Tam Điệp.

 Sở Tư pháp đã tham gia phối hợp với Hội Nông dân tổ chức thành công cuộc thi “Nông dân với pháp luật” được tổ chức tại xã Khánh Phú huyện Yên Khánh và xã Ninh Vân huyện Hoa Lư vào năm 2007.  

Sở Tư pháp đã hướng dẫn cho Phòng tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn, củng cố về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, theo đó mỗi một tổ hoà giải thường có ít nhất 1 thành viên là cán bộ Hội nông dân của xã hoặc thôn, xóm, bản, làng tham gia với tư cách là tổ viên tổ hoà giải. Hiện nay toàn tỉnh có 8100 hoà giải viên. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thị xã, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho đội ngũ hoà giải viên. Xây dựng đội ngũ Hoà giải viên đủ về số lượng và từng bước đáp ứng về yêu cầu chất lượng khi tham gia hoà giải các vụ việc phát sinh tại địa phương.  

Công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức trợ giúp pháp lý được chú trọng. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước - Sở Tư pháp đã  tiến hành 143 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 147 xã, thị trấn trong tỉnh, trực tiếp tư vấn giải đáp vướng mắc pháp luật cho 10.712 lượt hội viên của các tổ chức xã hội đoàn thể, đối tượng chính sách người nghèo, người có công với cách mạng trong đó có nhiều đối tượng là hội viên Hội nông dân. Nội dung trợ giúp giải đáp những vướng mắc pháp luật của các tầng lớp nhân dân về Luật đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội đối với người có công. Tổ chức 231 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật được lồng ghép vào hoạt động trợ giúp lưu động, giao lưu văn hoá pháp lý.

 Có thể nói 5 năm qua, Sở Tư pháp Ninh Bình đã chủ động phối hợp và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân nói chung và hội viên hội nông dân nói riêng trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp cán bộ, hội viên hội nông dân hiểu biết về pháp luật, ứng xử phù hợp với pháp luật, bước đầu trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết, động viên khuyến khích được hội viên của hội nông dân tích cực hưởng ứng, tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tại địa phương, từng bước giảm thiểu và đẩy lùi tiến tới xây dựng địa bàn tỉnh Ninh Bình không còn tình trạng khiếu kiện kéo dài và khiếu kiện vượt cấp, nhằm mục tiêu đưa Chỉ thị 26/2001/CT-TTg vào cuộc sống.  

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và hội Nông dân về thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg cho thấy: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có vai trò to lớn trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân. Cần phải xem đây là giải pháp quan trọng trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Bên cạnh đó, muốn xác định được vai trò, vị trí của Nông dân trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo thì rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan.  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, 5 năm qua công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg giữa Sở Tư pháp và Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình còn bộc lộ một số tồn tại sau:  

- Hàng năm chưa xây dựng được nội dung chương trình phối hợp cụ thể, không tổ chức được hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, công tác thi đua khen thưởng từ đó chưa khai thác hết khả năng, thế mạnh của từng ngành trong hoạt động phối hợp.  

- Đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật là hội viên hội nông dân còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi đó công tác tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.  

- Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cũng như tài liệu phục vụ công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị 26 không đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, dẫn đến nhiều mô hình xây dựng điểm như: “Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật”, “Tủ sách, ngăn sách pháp luật ở thôn, xóm, làng, bản” chưa được nhân rộng.  

Để công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giữa Hội Nông dân và Sở Tư pháp trong thời gian tới tiếp tục phát huy được hiệu quả cần có những giải pháp cụ thể:  

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung theo tinh thần Chỉ thị 32- CT/TW của Ban bí thư Trung ương và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên hội nông dân.  

- Chọn nội dung pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, và hình thức thiết thực để tuyên truyền phổ biến cho nông dân. Đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, quyền và nghĩa vụ của người dân khi tham gia các quan hệ khiếu nại, tố cáo; chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Mặt khác căn cứ yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong từng thời điểm tập trung biên soạn tài liệu tuyên truyền cho phù hợp.

 - Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ cán bộ hội viên, nông dân là các tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật để có thể tự làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ngay tại các cấp hội.

 - Sở Tư pháp và Hội Nông dân hàng năm cần có sự phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể về chương trình phối hợp Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.  

- Duy trì chế độ giao ban định kỳ 6 tháng, một năm về công tác phối hợp giữa các ngành và thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 26.  

- Đề nghị UBND tỉnh hàng năm cần phân bổ thêm ngân sách cho ngành Tư pháp và Hội Nông dân để triển khai tốt Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.