Bắc Giang: Công tác hoà giải cơ sở ở huyện Yên Thế và những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới

04/06/2008
Sau 10 năm thi hành pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở (1998-2008) trên địa bàn huyện Yên Thế công tác hoà giải cơ sở từng bước được kiện toàn ổn định về mặt tổ chức, chất lượng hiệu quả ngày càng được nâng cao. Công tác hoà giải cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ANCT – TTATXH, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá mới.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua với những kết quả thành tích đã đạt được chúng ta càng thấy những cống hiến to lớn của những con người những chiến sĩ là hoà giải viên cơ sở. Những người vẫn miệt mài đem tâm huyết, trách nhiệm của mình vì cuộc sống bình yên đoàn kết của mọi người, mọi nhà mà không hề có một chế độ ưu đãi nào của Nhà nước.

Trước năm 1998 toàn huyện có 152 tổ hoà giải cơ sở đạt tỷ lệ 75 % thôn bản có tổ hoà giải còn 25 % thôn bản chưa có tổ hoà giải cơ sở hoặc có nhưng không hoạt động. Tổ chức của các tổ hoà giải còn rất lỏng lẻo, chưa có sự hướng dẫn quản lý của các cấp chính quyền, chưa có sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chưa có sự phối hợp của các ngành đoàn thể. Tỷ lệ hoà giải thành hàng năm chỉ đạt 50 % (Từ 1997 trở về trước). Trong giai đoạn này nền kinh tế của ta chưa phát triển như hiện nay nhưng những tranh chấp dân sự nhỏ , mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân do không được hoà giải tận gốc tại cơ sở nên hiện tượng đơn thư khiếu kiện vượt cấp vẫn thường xuyên diễn ra. Nhiều vụ tranh chấp mâu thuẫn nhỏ đã trở thành những vụ án hình sự để lại những hậu quả rất thương tâm cho gia đình và xã hội.

Ngày 25/12/1998 Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Ngay sau khi pháp lệnh có hiệu lực thi hành, căn cứ vào các hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Tư pháp, UBND huyện Yên Thế đã tổ chức triển khai thực hiện pháp lệnh một cách toàn diện cả về tổ chức, chất lượng và hiệu quả công tác hoà giải cơ sở.

Về tổ chức, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn bổ sung các tổ hoà giải cơ sở với yêu cầu 100 % thôn bản phải có tổ hoà giải cơ sở được thành lập theo trình tự thủ tục quy định của Nhà nước. Các thành viên tổ hoà giải phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn và có năng lực tốt trong hoạt động hoà giải. Kết quả đến hết năm 1998 toàn huyện có 204 tổ hoà giải/200 thôn bản đạt 102 % theo chỉ tiêu đề ra. Sau khi ổn định về tổ chức, UBND huyện đã đầu tư kinh phí để mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên. Đối với UBND huyện đảm nhiệm tập huấn cho Tổ trưởng, Tổ phó Tổ hoà giải cơ sở, UBND xã, thị trấn tập huấn cho các hoà giải viên, Phòng Tư pháp đảm nhận báo cáo viên cho hội nghị tập huấn ở cơ sở.

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác hoà giải cơ sở, căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương UBND huyện đã ban hành Đề án 151/ĐA-UB ngày 22/4/2003: “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở góp phần giải quyết tốt đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân”. Đề án do Phòng Tư pháp đề xuất xây dựng và đã được Ban Thường vụ Huyện uỷ Yên Thế thảo luận nhất trí. Đề án có nhiều nội dung sáng tạo trong đó có một số nội dung chủ yếu như: Tất cả các tranh chấp mâu thuẫn ở cơ sở phải được tổ hoà giải cơ sở tiến hành hoà giải ít nhất 03 lần, nếu chưa hoà giải thì UBND xã không thụ lý giải quyết. UBND huyện hỗ trợ bằng ngân sách huyện cho mỗi vụ hoà giải thành: 50.000 đồng đối với vụ hoà giải đơn giản, 100.000 đồng đối với những vụ phức tạp.

Từ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp của các ngành đoàn thể và đặc biết là sự chỉ đạo điều hành kiên quyết sáng tạo của UBND huyện, UBND xã, thị trấn công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn huyện Yên Thế  đang từng bước đi vào ổn định và phát triển vững chắc, hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, năm 2003 đạt 82 %; năm 2005 tỷ lệ hoà giải thành đạt 85 % và năm 2007 tỷ lệ hoà giải thành đạt trên 90 %. Công tác hoà giải cơ sở đã hạn chế được đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển KT-XH và giữ vững ANCT-TTATXH ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, những mặt mạnh đã đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở vẫn tồn tại một số vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Với chức năng là cơ quan giúp UBND huyện quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, chúng tôi thấy cần phải có giải pháp để sớm giải quyết dứt điểm một số vấn đề sau đây:

1. Công tác sơ kết, tổng kết công tác hoà giải cơ sở ở các xã, thị trấn.

Tại khoản d, điểm 1, điều 6 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở quy định: quản lý nhà nước và công tác hoà giải: “ …sơ kết, tổng kết công tác hoà giải”. Như vậy chính quyền Nhà nước các cấp hàng năm phải tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng và tổng kết năm về công tác hoà giải.

Nhưng trên thực tế trong nhiều năm qua công tác sơ kết, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở không được UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, chúng tôi đã có nhiều công văn chỉ đạo, trực tiếp trao đổi với các đồng chí Chủ tịch UBND các xã, thị trấn song chuyển biến còn rất chậm. Phần lớn đều nêu lý do vì kinh phí  của xã. thị trấn hạn hẹp nên không tổ chức được. Cụ thể năm 2007 trong 21 đơn vị  xã, thị trấn đến nay có 12 đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết lồng ghép, 02 đơn vị tổ chức tổng kết riêng, còn lại 07 đơn vị (chiếm 1/3) chưa tổ chức tổng kết công tác hoà giải cơ sở. Thiết nghĩ nếu không làm tốt công tác hoà giải cơ sở để sẩy ra vài ba vụ kiện kéo dài thì kinh phí, công sức bỏ ra sẽ lớn gấp bao nhiêu làn so với tổ chức hội nghị tổng kết. Vấn đề này cần sớm được khắc phục để thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

2. Về kinh phí và chế độ hỗ trợ cho công tác hoà giải ở cơ sở

- Theo quy định chung tại Thông tư 63/2005/TT-BTC ngày 08/5/2005 của Bộ Tài chính: quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ cho mỗi vụ hoà giải thành: 50.000 đồng/01 vụ đơn giản; 70.000 đồng/01 vụ phức tạp. Nguồn ngân sách lấy từ ngân sách địa phương. Theo chúng tôi sự hỗ trợ này là rất cần thiết nhưng còn mang tính chất bị động, nếu kinh phí được hỗ trợ thường xuyên cho từng tổ hoà giải cơ sở thì chắc chắn công tác hoà giải cơ sở sẽ nâng cao hơn về chất lượng. Việc hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho tổ hoà giải cơ sở sẽ tăng tính chất phòng ngừa các mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong nhân dân.

- Riêng đối với huyện Yên Thế, phần kinh phí hỗ trợ 50.000 đồng - 70.000 đồng cho các vụ hoà giải do ngân sách huyện đảm nhiệm, vậy ngân sách các xã, thị trấn hỗ trợ như thế nào cho các tổ hoà giải. Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể để mọi người có thể tham khảo: Tại hội nghị tổng kết công tác tư pháp - công tác hoà giải cơ sở của UBND thị trấn Cầu Gồ ngày 28/12/2007, UBND thị trấn Cầu Gồ đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi tổ hoà giải 100.000 đồng/01 tháng để giúp cho các tổ hoà giải ở các phố có thêm điều kiện để hoạt động.

3. Vấn đề kiện toàn bổ sung, tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tổ hoà giải cơ sở.

- Đối với các thôn bản, phố việc thay đổi về mặt nhân sự của các Chi bộ, trưởng thôn bản, trưởng phố, trưởng các chi hội diễn ra thường xuyên và có thể không theo một quy luật nào cả do vậy việc thay đổi nhân sự các tổ hoà giải cơ sở  là điều tất yếu. Để kiện toàn bổ sung kịp thời các thành viên tổ hoà giải cơ sở đòi hỏi Ban Tư pháp xã, UBND xã, thị trấn phải thực sự quan tâm một cách thường xuyên liên tục. Trên thực tế đây là một việc làm không khó nhưng để thực hiện tốt không phải đơn vị nào cũng làm được.

- Công tác bồi dưỡng tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hoà giải nên tiến hành như thế nào trong điều kiện thành viên tổ hoà giải thay đổi liên tục trong đó kinh phí của huyện và xã không cho phép mở liên tục các đợt tập huấn, bồi dưỡng. Để giải quyết tốt vấn đề này tôI thiết nghĩ Nhà nước cần có quy định cụ thể chi tiết và dành một phần kinh phí để các cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng hoà giải cho các tổ viên tổ hoà giải. Riêng huyện Yên Thế chúng tôi đề xuất với UBND huyện phương án : UBND huyện chịu trách nhiệm tập huấn cho tổ trưởng, tổ phó các tổ hoà giải ở cơ sở, UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm tập huấn nghiệp vụ, tập huấn kiến thức pháp luật cho các thành viên Tổ hoà giải.

Với phạm vi bài viết này tôi muốn cùng trao đổi với bạn đọc và những ai quan tâm đến công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở để cùng nhau góp sức đưa công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng thu được nhiều kết quả./.

Hoàng Giang