Bộ đội biên phòng Cao Bằng: Giúp dân hiểu luật

04/06/2008
Với trên 300 km đường biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn gồm 44 xã, thị trấn thuộc 9 huyện biên giới, với trên 100 ngàn nhân khẩu và 8 dân tộc thiểu số cùng chung sống, Cao Bằng khó khăn về mọi mặt: kinh tế, trình độ dân trí, giao thông đi lại…

Đặc biệt, một số khu vực biên giới tình hình vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động tuyên truyền phát triển đạo tin lành trái pháp luật ở một số vùng đồng bào có chiều hướng tăng. Thực tế đó đòi hỏi công tác phổ biến pháp luật phải  tăng cường tối đa để phục vụ việc giữ vững an ninh trật tự cũng như phát triển kinh tế khu vực biên giới.

Thanh niên là lực lượng nòng cốt

Theo thống kê của Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, lực lượng thanh niên khu vực biên giới tỉnh hiện nay có trên 10 ngàn người, chiếm khoảng 10% dân số, tuyệt đại đa số là dân tộc ít người, và cũng là lực lượng chủ yếu trong xây dựng đời sống, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới. Xác định đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật nên Bộ đội biên phòng đã tập trung chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở cùng chung tay đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua hoạt động Câu lạc bộ tuổi trẻ 4 lực lượng, hàng năm đều xây dựng chương trình “thanh niên tình nguyện” hướng về biên giới vừa tổ chức các hoạt động thu hoạch mùa vụ, tu sửa trường lớp, làm đường giao thông nông thôn vừa kết hợp tuyên truyền pháp luật. Với tinh thần này những năm qua, Câu lạc bộ 4 lực lượng đã tổ chức tuyên truyền cho 926 lượt đoàn viên thanh niên học tập một số luật như Luật phòng chống HIV/AIDS, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng còn đẩy mạnh hoạt động kết nghĩa giữa tuổi trẻ các đơn vị bộ đội biên phòng với các tổ chức đoàn ở khu vực biên giới. Thông qua hoạt động này một mặt giúp tổ chức đoàn cơ sở củng cố phát triển đội ngũ đoàn viên, vừa thu hút đoàn viên tham gia vào các hoạt động đoàn thể, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là đưa các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Khoảng 2- 3 năm trở lại đây, tuổi trẻ Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng đã tham gia củng cố kiện toàn được 38 ban chấp hành đoàn xã, 162 chi đoàn xóm bản, phát triển thêm 2637 đoàn viên, xây dựng được 92 công trình thanh niên, tổ chức gần 1900 buổi phổ biến pháp luật đến 36.824 lượt đoàn viên tham gia.

Đặc biệt là với tầm quan trọng của lực lượng thanh niên trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số, bộ đội biên phòng tỉnh đã phát động đoàn viên khu vực biên giới tham gia phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn ANTT thôn bản”. Để giúp đoàn viên có những kiến thức cơ bản về chủ quyền biên giới quốc gia, tuổi trẻ các đồn biên phòng đã tổ chức hàng trăm cuộc họp nhằm tập trung phổ biến cho thanh niên nắm chắc lai lịch hệ thống các đường biên, cột mốc, những nơi thường xảy ra tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, hay các Hiệp định biên giới và nhất là Luật biên giới quốc gia. Phổ biến để trước hết là giúp tuổi trẻ khu vực biên giới ý thức hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Và cũng từ đó, họ sẽ là những tuyên truyền viên đem pháp luật về tuyên truyền cho bà con trong cộng đồng mình. Thực tế, đoàn viên thanh niên đã góp sức không nhỏ vào việc giữ vững chủ quyền biên giới, minh chứng là 5 ngàn lượt đoàn viên đã tham gia tuần tra, tu sửa đường biên, cột mốc, cung cấp gần 4 ngàn nguồn tin phục vụ công tác biên phòng, đặc biệt 3 ngàn lượt đoàn viên  đã trực tiếp tham gia đấu tranh với các hành vi vi phạm của phía đối diện, tham gia phát hiện 500/800 vụ đối tượng buôn bán trái phép, trấn cướp., trộm cắp, gây mất trật tự trên biên giới.

Đoàn viên phải có trình độ pháp luật

Những năm qua mặc dù với sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của bộ đội biên phòng Cao Bằng, đoàn viên thanh niên khu vực biên giới đã và đang trở thành lực lượng chủ chốt trong việc tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ đội biên phòng tỉnh thì do địa hình phức tạp, bị chia cắt, đi lại khó khăn nên việc tập hợp đoàn viên để tiến hành các hoạt động nói chung, phổ biến pháp luật nói trên rất khó khăn. Vì vậy thay vào đó, cần có những hình thức hỗ trợ khác để nâng cao hiểu biết pháp luật cho đoàn viên thanh niên như cấp phát tài liệu, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Tuy nhiên, các công việc này không thực hiện được thường xuyên vì hạn chế về kinh phí. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ đội biên phòng Tỉnh thì một số tổ chức đoàn trong vùng đồng bào người Mông, người Dao đang tồn tại dưới dạng hình thức, hoạt động hầu như bỏ trắng. Do đó, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động truyền đạo trái phép, gây mất trật tự đường biên. Vì vậy, một trong những giải pháp được đưa ra là đồng thời với việc phát triển các tổ chức đoàn cơ sở vững mạnh, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo sinh hoạt cho đoàn viên thanh niên, cần coi trọng đào tạo, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho các đối tượng này, nhằm làm cho họ thực sự trở thành những “hạt nhân” trong công tác tuyên truyền pháp luật ở khu vực biên giới.

Bình An