Tây Ninh: CLB trợ giúp pháp lý xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu góp phần làm giảm 60 % các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư

04/06/2008
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp Tây Ninh và UBND huyện Dương Minh Châu, tháng 7/2006 UBND xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu ban hành Quyết định thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý và phê duyệt thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm 7 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm, đồng chí cán bộ chuyên trách công tác Tư pháp-hộ tịch và đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã làm Phó Chủ nhiệm, các thành viên còn lại đại diện cho các ngành: Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh.

Để có cơ sở cho Câu lạc bộ  hoạt động Ban chủ nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ vào ngày 20 hàng tháng theo chủ đề pháp luật do Ban Chủ nhiệm dự kiến qua khảo sát nhu cầu, đề xuất của người dân.

Nội dung sinh hoạt, thường là tổ chức nói chuyện chuyên đề về các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân ở địa phương; giới thiệu nội dung cơ bản của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Trao đổi, thảo luận về các vụ việc, các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư hoặc những vấn đề pháp lý do đối tượng tham dự sinh hoạt hoặc thành viên Ban Chủ nhiệm đưa ra; Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong trường hợp có người thực hiện trợ giúp pháp lý tham dự sinh hoạt; Phát miễn phí các loại tài liệu pháp luật theo khả năng của Câu lạc bộ, cung cấp địa chỉ của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Giới thiệu các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các chủ trương của địa phương liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hoặc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Do Chà Là một xã thuần nông, 80% dân trong xã sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ chọn thời điểm tổ chức sinh hoạt vào thời điểm 19 giờ, để phù hợp cho việc đồng áng của nhân dân.

Về địa điểm thì luân phiên tổ chức tại các ấp trên địa bàn xã và tuỳ tình hình nhu cầu của nhân dân, trước khi tổ chức Ban chủ nhiệm họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng viên phải có trách nhiệm mời đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia sinh hoạt (mỗi thành viên phải mời được ít nhất 10 người tham gia sinh hoạt)

Khi sinh hoạt chuyên đề hoặc tuyên truyền pháp luật ban chủ nhiệm thường chọn các báo cáo viên trình bày trôi chảy, lưu lót, có kỹ năng sư phạm, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực cần trình bày, dễ tiếp thu, dễ nhớ cho người nghe, không gây nhàm chán, Ban chủ nhiệm lồng ghép vào nội dung sinh hoạt biểu diễn văn nghệ, tổ chức đố vui tìm hiểu pháp luật thông qua hình thức hái hoa dân chủ.    

Cụ thể là, từ khi thành lập đến nay qua 21 tháng sinh hoạt, Câu lạc bộ đã sinh hoạt được 21 kỳ, thu hút được 1.121 lượt người tham gia sinh hoạt, bình quân có trên 53 lượt người/kỳ. Trợ giúp pháp lý qua hình thức tư vấn 54 người, đã tuyên truyền các văn bản pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật dân sự, Luật Khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính…và một số Nghị định của Chính phủ.

Qua thời gian Câu lạc bộ hoạt động cho thấy kiến thức pháp luật của người dân được nâng lên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cụ thể là: các vụ khiếu kiện tranh chấp trong nội bộ nhân dân giảm trên 60%, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ của nhân dân trên địa bàn giảm 80%, từ khi thành lập Câu lạc bộ trợ giúp đến nay các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng và nhân dân trong địa phương nói chung thật sự an tâm vì ở tại địa phương có các cộng tác viên, có Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý giúp họ giải quyết những vướng mắc liên quan đến pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Minh Hiền