Bắc Giang: Công tác hoà giải ở cơ sở ở huyện miền núi

05/06/2008

Sau khi Pháp lệnh số 09/1998/UBTVQH10, ngày 25/12/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Căn cứ vào Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh và Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị tại huyện và các xã tập huấn pháp lệnh và Nghị định 160 của Chính phủ về công tác hoà giải, thành phần gồm thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị và Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ, cán bộ Tư pháp-Hộ tịch các xã, thị trấn, đồng thời giao cho Phòng Tư pháp chủ trì thực hiện Kế hoạch, đôn đốc kiểm tra các cơ quan, các xã, việc học tập triển khai thực hiện Pháp lệnh và Nghị định tại các xã cho cán bộ và nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với các hình thức phong phú đa dạng về Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của công tác hoà giải của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Từ đó phát huy tính tích cực chủ động của các cấp, các ngành, cá đoàn thể trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với công tác này, đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tích cực tham gia xây dựng, củng cố Tổ hoà giải ở cơ sở, thực hiện tốt việc giải quyết những mâu thuẫn, xích mích, và tranh chấp nhỏ trong nhân dân.

Việc xây dựng, kiện toàn các tổ hoà giải được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với MTTQ huyện chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn kiện toàn các Tổ hoà giải ở thôn xóm (theo hướng dẫn Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn được bầu làm Tổ trưởng Tổ hoà giải). Từ năm 1999 đến nay trong trong toàn huyện đã có 397 tổ hoà giải với 2.142 thành viên luôn đi vào hoạt động ổn định hiệu quả từ nhiều năm, hàng năm các tổ hoà giải đều được kiện toàn lại về tổ chức. Trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2008 toàn huyện có tổng số 397 tổ hoà giải với 2.142 thành viên hoà giải ở các xã, thị trấn đã thụ lý tổng số 7.609 vụ việc, đã hoà giải thành là 6.977 vụ việc đạt tỷ lệ 91,6%, còn 632 vụ việc chuyển cơ quan chức năng giải quyết. Nội dung mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự...

 Các tổ hoà giải đã phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác hoà giải ở thôn xóm, giải quyết những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng làm ổn định tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội tại địa phương, giảm bớt những khiếu nại, khiếu kiện kéo dài vượt cấp. Hàng năm Phòng Tư pháp huyện chỉ đạo củng cố và kiện toàn tổ chức các tổ hoà giải, chủ trì tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hoà giải cho người làm công tác hoà giải và chỉ đạo UBND, Ban Tư pháp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể ở xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho các thành viên của Tổ hoà giải tại địa phương.

 Công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Mặt trận tổ quốc trong công tác hoà giải ở cơ sở đã được quan tâm chú ý. Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp xây dựng quy chế phối hợp với MTTQ huyện, chỉ đạo Ban Tư pháp các xã, thị trấn phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở địa phương trong công tác tuyên truyền PBGDPL, hoà giải ở cơ sở đạt kết quả tốt. Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với UB MTTQ huyện tổ chức được 18 hội nghị tuyên truyền Pháp lệnh Hoà giải ở cơ sở, Quy chế dân chủ ở cơ sở cho lãnh đạo, Tổ trưởng Tổ hoà giải các xã, thị trấn với hơn 2.000 người tham dự. Ban Tư pháp các xã, thị trấn phối hợp với MTTQ xã, các đoàn thể nhân dân tổ chức được trên 1.500 hội nghị lồng ghép tuyên truyền PBGDPL, nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý.

Có được kết quả trên là do UBND huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo tổ chức tuyên truyền có hiệu quả về Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, bên cạnh đó còn có sự cố gắng, khắc phục khó khăn của các hoà giải viên, của cấp uỷ, chính quyền các địa phương góp phần tích cực vào việc giữ gìn An ninh trật tự - An toàn xã hội tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội./.

Hà Thanh Thuỷ