Bình Định: Qua 5 năm thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

04/06/2008
Bình Định vừa tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, theo đó tình tình triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 đến nay đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận:

Về công tác tự kiểm tra: Qua gần 5 năm thực hiện, UBND các cấp, các ngành, các cấp đã kiểm tra tổng số 425 văn bản. Số lượng văn bản được phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hoặc của địa phương: 63 văn bản. Kết quả xử lý: Bãi bỏ: 51 văn bản do không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của địa phương. Huỷ bỏ: 04 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chủ yếu trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và quản lý đất đai. Sửa đổi, bổ sung 08 văn bản liên quan đến lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Kết quả xử lý thực hiện đúng quy định tại Điều 22 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Công tác kiểm tra theo thẩm quyền: Số lượng văn bản đã nhận được và trực tiếp tiến hành kiểm tra: 16.320 văn bản, trong đó có 1.030 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ban hành. Cụ thể: Số lượng văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra xử lý: 16.320 văn bản. Không có văn bản nào không thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Số lượng văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, vi phạm các quy định tại Điều 3, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ: 6 văn bản, trong đó có 01 nghị quyết của HĐND cấp huyện, 05 quy định của UBND cấp huyện. Đã có 04 thông báo đã gởi để cơ quan, người có thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý văn bản. Trong, 06 văn bản phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, sau khi Sở Tư pháp có thông báo thì các cơ quan ban hành đã tự kiểm tra, xử lý bằng hình thức huỷ bỏ theo đúng thời hạn, không có trường hợp nào chưa được xử lý hoặc đề nghị cấp trên xử lý.Đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật, nhưng không ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật, do nhận thức chưa thống nhất về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Thời gian qua, cơ quan kiểm tra văn bản chú yếu là góp ý, nhắc nhở, rút kinh nghiệm là chính, chưa tiến hành xử lý.

Một số nội khác có liên quan: Về thể chế: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/2005/CT-TTg; ngày 08/4/2005, Giám đốc Sở Tư pháp đã giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/2005/CT-UB về việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 03/3/2006 về việc ban hành Quy chế cộng tác viên kiểm tra công tác văn bản quy phạm pháp luật. Về kinh phí: đã bố trí kinh phí hàng năm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý văn bản tại địa phương. Tổ chức, biên chế: Hiện tại Sở Tư pháp Bình Định đã thành lập Phòng văn bản pháp quy (tách ra từ Phòng Văn bản tuyên truyền): 03 biên chế, gồm 01 trưởng phòng và 02 chuyên viên chuyên trách công tác văn bản. So với nhu cầu thực tế công việc hiện nay, số lượng biên chế của Phòng văn bản còn thiếu.Vấn đề cộng tác viên: đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh gồm 12 thành viên (thành lập theo Quyết định số 2518/QĐ-CTUBND ngày 16/8/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh v/v công nhận cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật), là những chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên ngành của tỉnh, có trình độ pháp lý và kinh nghiệm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra văn bản. Xây dựng cơ sở dữ liệu: Giám đốc Sở đã giao Phòng văn bản xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật: Hàng năm Phòng Văn bản pháp quy giúp Giám đốc Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cho các đối tượng là cán bộ làm công tác văn bản của Văn HĐND, UBND cấp huyện, phòng Tư pháp; lãnh đạo UBND và cán bộ tư pháp cấp xã.

 Một số đánh giá, nhận định và đề xuất, kiến nghị: Qua quá trình kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản ở một số ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, văn bản ban hành ít sai sót, có tính khả thi cao và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, khi phát hiện văn bản trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp thông báo để Uỷ ban nhân dân cùng cấp xử lý, nhưng cơ quan ban hành văn bản không xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp không có hướng xử lý nào tiếp theo. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu thêm về thẩm quyền kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135/2003/NĐ-CP. Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là một trong những công việc mới, nhiều địa phương còn lúng túng trong cách thức tổ chức và phân công công tác, nên hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật còn thấp. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy, phân công biên chế chuyên trách làm công tác kiểm tra văn bản. Phân công, bố trí những cán bộ, cộng tác viên kiểm tra văn bản có  năng lực và trình độ hiểu biết cao để thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhất là một số lĩnh vực quan trọng như: quản lý đất đai, khuyến khích thu hút đầu tư…

Nguyễn Huỳnh Huyện