Bình Định: Giám sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Tây Sơn

02/06/2008
Vừa qua, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định thực hiện giám sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại UBND xã Tây Xuân và Phòng Tư pháp, huyện Tây Sơn.

Theo đánh giá của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định, thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng và công văn số 544-CV/TU ngày 05/5/2004 Tỉnh uỷ Bình Định, Huyện uỷ Tây Sơn đã có văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện Tây Sơn đã thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời căn cứ các Quyết định ban hành kế hoạch PBGDPL năm 2007 và 2008 của UBND tỉnh, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành các Quyết định về PBGDPL năm 2007 và 2008 trên địa bàn huyện, Quyết định, Kế hoạch thực hiện Đề án 3-212 và Đề án 4-212. Kết quả cụ thể sau:

          Về công tác củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Huyện Tây Sơn (19 thành viên); 14/15 Hội đồng phối hợp cấp xã đã được củng cố, kiện toàn (xã Vĩnh An chưa củng cố, kiện toàn). Đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện (4 người), tuyên truyền viên pháp luật cấp xã (14 tổ, 89 người), hoà giải viên cơ sở (108 tổ, 590 người), 15 Ban hoà giải với 137 thành viên cũng được củng cố, kiện toàn. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL xã Tây Xuân có 11 thành viên) do Chủ tịch Chủ tịch UBND xã, làm Chủ tịch Hội đồng phối hợp là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã.

          Về nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện cũng được căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân ở địa phương, Hội đồng phối hợp xã Tây Xuân và huyện Tây Sơn đã lựa chọn một số văn bản pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân để phổ biến như: Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khiếu nại, tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004, năm 2005), Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới, Luật Nghĩa vụ quân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005), pháp luật về đất đai, an toàn giao thông …Về hình thức PBGDPL: Lựa chọn một số hình thức PBGDPL có hiệu quả, phù hợp với nhân dân ở địa phương như: Tuyên truyền miệng, thông qua tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, tổ chức họp dân; tuyên truyền các văn bản pháp luật, các tuyên truyền viên đặt ra nhiều tình huống thực tế và người tham dự trả lời câu hỏi. Hình thức này thiết thực đã thu hút đông nhân dân tham gia; thông qua Đài Truyền thanh huyện, xã; hoạt động trợ giúp pháp lý, thi tìm hiểu pháp luật (2007: UBMTTQVN xã Tây Xuân tổ chức cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường, Đoàn thanh niên xã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ATGT), thông qua công tác hoạt động hoà giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật, thông qua các cuộc vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư để tuyên truyền pháp luật. UBND xã Tây Xuân đã thành lập dòng họ không có tội phạm, dòng họ khuyến học, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực trong gia đình, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 có gần 120 cặp vợ chồng tham gia để tuyên truyền pháp luật…

           Nhìn chung, công tác PBGDPL xã Tây Xuân và huyện Tây Sơn đã đạt được những kết quả nhất định đó là, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao sự nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật của cán bộ và nhân dân; nhờ làm tốt công tác hoà giải nên trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ khiếu kiện đông người, các vụ trọng án. Công tác PBGDPL góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, tạo niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước.

          Xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan, đoàn thể huyện Tây Sơn tham gia tuyên truyền, PBGDPL như: Phòng Tư pháp, Đài Truyền thanh huyện, huyện Đoàn, Công an huyện, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, Thanh tra huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ…đồng thời, Phòng Tư pháp (Cơ quan thường trực Hội đồng) đã xây dựng chương trình phối hợp công tác PBGDPL với Đài Truyền thanh huyện, UBMTTQVN huyện, Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Liên đoàn lao động huyện. Hàng năm, Hội đồng phối hợp huyện đều tổ chức kiểm tra mỗi đơn vị/1 lần và cuối năm tổng kết đánh giá thực hiện công tác PBGDPL, qua đó biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL và nhân rộng những mô hình PBGDPL có hiệu quả.

          Tuy nhiên qua giám sát nhận thấy, Hội đồng phối hợp xã Tây Xuân chưa ban hành kế hoạch PBGDPL năm 2008; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng; tuyên truyền, PBGDPL còn làm theo đợt, phong trào, thiếu tính thường xuyên, liên tục như: tuyên truyền theo đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, các ngày lễ lớn trong năm của đất nước. Hầu hết tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn nhân dân rất ít đến mượn sách đọc, nghiên cứu các văn bản pháp luật, đầu sách còn nghèo nàn, chưa có nguồn kinh phí để bổ sung các sách đang có hiệu lực thi hành. Một số xã, thị trấn việc khai thác các văn bản pháp luật trong Công báo chưa hiệu quả, phần nào gây lãng phí tài sản của Nhà nước; sắp xếp Công báo thiếu tính khoa học nên khi cần tìm các văn bản pháp luật để nghiên cứu tốn rất nhiều thời gian. Tổ chức họp dân để PBGDPL rất khó khăn. Tuyên truyền, PBGDPL còn mang nặng tính hình thức, lý luận, ít liên hệ thực tiễn cuộc sống, một số vấn đề nhân dân cần, dễ hiểu, dễ tiếp thu thì nhiều báo cáo viên không đáp ứng được. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL xã Tây Xuân còn hạn chế và Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện Tây Sơn đến nay chưa được cấp kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch PBGDPL năm 2008.

          Qua Giám sát, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị cấp uỷ Đảng huyện, xã tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng. Phòng Tư pháp huyện tham mưu cho Huyện uỷ có văn bản tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư và công văn số 544 của Tỉnh uỷ Bình Định. HĐND huyện cần có Nghị quyết về công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh;Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức đội ngũ làm công tác PBGDPL như: Hội đồng phối hợp, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở; Tăng cường công tác phối hợp PBGDPL với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, xã; cần xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch, chương trình thực hiện; Về nội dung PBGDPL: Lựa chọn một số văn bản pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân để tuyên truyền, phù hợp với đối tượng, địa bàn như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bình đẳng giới, pháp luật về đất đai…Về hình thức PBGDPL: Lựa chọn những hình thức PBGDPL có hiệu quả, thu hút đông nhân dân tham dự như: Tuyên truyền miệng, nêu lên tình huống thực tế để nhân dân tham gia trả lời; hoạt động hoà giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, thông qua Đài truyền thanh…Tăng cường công tác kiểm tra PBGDPL đối với cấp xã, việc xây dựng kế hoạch PBGDPL, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng…Hội đồng phối hợp phải sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL và nhân rộng những mô hình PBGDPL có hiệu quả.UBND huyện, xã quan tâm cấp kinh phí PBGDPL cho Hội đồng phối hợp của huyện, xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành kế hoạch PBGDPL năm 2008.

  Nguyễn Huỳnh Huyện