Một số kết quả đã đạt được sau hơn 4 năm thực hiện công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

02/06/2008

1. Công tác tổ chức triển khai thực hiện:

Sau khi Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp đã cử một số cán bộ thuộc phòng chức năng của Sở và Trưởng phòng Tư pháp 9 huyện, thành phố Huế tham dự 2 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức tại Nghệ An và tại Hà Nội. Sau đó, trong quý I/2004, Sở Tư pháp phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế đã mở các hội nghị tập huấn nghiệp vụ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ phòng tư pháp, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân huyện, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân và cán bộ chuyên trách hộ tịch - tư pháp của các xã, phường, thị trấn.  

2. Việc ban hành thể chế về công tác kiểm tra văn bản:

- Ở cấp tỉnh: Để thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, ngày 06/9/2004, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3076/QĐ-UB cụ thể hoá các quy định của cấp trên về công tác này. Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế ban hành không gửi cho Sở Tư pháp để thực hiện chức năng giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, ngày 25/11/2004, Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục có Công văn số 3049/NC-UB yêu cầu Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ký ban hành, phải gửi văn bản về Sở Tư pháp để thực hiện công tác kiểm tra. Sau khi liên bộ Tài chính - Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 480/2005/QĐ-UB ngày 26/01/2005 quy định tạm thời về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (hiện nay, việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 của liên bộ Tài chính - Tư pháp). Ngày 28/02/2005, Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 739/QĐ-UB về việc công nhận cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 24/01/2007 thay đổi, bổ sung cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, để chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, ngày 12/12/2005, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 56/2005/CT-UBND về việc củng cố và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các văn bản có nội dung về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành đã được Sở Tư pháp tập hợp, in thành sách “Một số quy định và hướng dẫn về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật” để phát cho cán bộ tư pháp các cấp làm sổ cẩm nang nghiệp vụ.

- Ở cấp huyện: Một số địa phương, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện đã ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 01/2004/TT-BTP ngày 16/6/2004 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP cho các cán bộ cấp huyện, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch và cán bộ Tư pháp cấp xã, thành lập tổ cộng tác viên kiểm tra văn bản đến việc lập kế hoạch về kiểm tra tại xã, thị trấn và kế hoạch tự kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban Nhân dân cấp huyện. 

3. Về kinh phí:

Hiện nay, việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28/12/2007 của liên bộ Tài chính - Tư pháp, và UBND tỉnh cũng hướng dẫn cho các cơ quan được cấp kinh phí kiểm tra văn bản QPPL quy định cụ thể mức chi vào quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch nêu trên. Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã cấp kinh phí cho hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, mua máy vi tính và tủ hồ sơ phục vụ công tác này, nhưng còn rất hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp huyện, hầu hết các huyện đều quan tâm cấp kinh phí cho hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản. Tuy nhiên kinh phí phân bổ rất hạn chế, có một số huyện kinh phí phân bổ không đủ chi thù lao cho cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL như huyện Phong Điền và thành phố Huế.  

4. Về việc bổ nhiệm cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện:

Ngày 28/02/2005, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 739/QĐ-UB về việc công nhận cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, gồm: 15 cộng tác viên là các chuyên gia, chuyên viên tại một số ngành cấp tỉnh và cán bộ giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Khoa học Huế. Hầu hết các cộng tác viên đã phối hợp chặt chẽ, tham gia nghiêm túc các đoàn kiểm tra của Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Để củng cố và kiện toàn đội ngũ này, ngày 24/01/2007, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND thay đổi, bổ sung cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, nâng số lượng cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh lên 28 người. Tuy nhiên chất lượng kiểm tra văn bản QPPL của các Cộng tác viên là không đồng đều và chưa cao.

Đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện cũng đã được thành lập tại hầu hết các huyện với hình thức là tổ cộng tác viên. Riêng thành phố Huế đến nay vẫn chưa thành lập, bổ nhiệm cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. 

5. Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu:

Do kinh phí cấp cho công tác kiểm tra văn bản còn hạn chế nên công tác tập huấn nghiệp vụ cho các cộng tác viên và cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra văn bản QPPL vẫn chưa được tiến hành định kỳ hàng năm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành tổng rà soát tất cả các văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành từ trước tới nay, để bước đầu thực hiện việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. 

6. Về công tác tự kiểm tra:

- Ở cấp tỉnh: Công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP được triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2005 cho đến nay. Trong thời gian từ 2005 đến tháng 4/2008, Sở Tư pháp đã giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện tự kiểm tra được 109 văn bản, trong đó có 66 quyết định và 43 chỉ thị. Quá trình tự kiểm tra đã phát hiện 04 văn bản có dấu hiệu chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của cấp trên nên đã kiến nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý. Tuy nhiên, do công việc quá nhiều và hạn chế về số lượng biên chế, nên việc tự kiểm tra đối với văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành còn hạn chế.

- Ở cấp huyện: Theo báo cáo của các huyện: Hương Thuỷ, Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang và thành phố Huế, Trong thời gian từ 2004 đến tháng 4/2008, phòng tư pháp các huyện, thành phố đã thực hiện tự kiểm tra theo luật định được 1466 văn bản, đã phát hiện, kiến nghị và UBND cấp huyện đã xử lý 21 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (Có 04 huyện không có báo cáo là: Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền và A Lưới). Riêng thành phố Huế có báo cáo về công tác tự kiểm tra, nhưng số liệu lại bao gồm tất cả các loại văn bản, kể cả văn bản hành chính thông thường như công văn, thông báo, công điện, nên cũng không thể thống kê chính xác).

- Ở cấp xã: Công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành đã được triển khai thực hiện, nhưng còn chậm và chưa đi vào nề nếp. Nguyên nhân chủ yếu là do biên chế ít (chỉ một người), công việc lại quá nhiều, trình độ cán bộ Tư pháp cấp xã còn hạn chế, có nơi cán bộ Tư pháp vừa đi học vừa đi làm, việc luân chuyển cán bộ ở một số địa phương đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả công tác này. 

7. Về công tác kiểm tra:

- Trong tổng số 2.164 văn bản do HĐND và UBND các huyện, thành phố Huế ban hành được tiến hành kiểm tra thì:

Số văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định 135/2003/NĐ-CP và đã Thông báo đến HĐND và UBND cấp huyện để tự kiểm tra, xử lý là: 183 văn bản.

Kết quả: HĐND và UBND cấp huyện đã tự kiểm tra, xử lý theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra là: 183 văn bản. Không có văn bản nào đề nghị cấp trên xử lý.

Số văn bản vi phạm các điểm a và b khoản 1 Điều 26 Nghị định 135/2003/NĐ-CP là: 142 văn bản.

Kết quả: HĐND và UBND cấp huyện đã tự kiểm tra, xử lý theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra là: 142 văn bản.

- Ở cấp huyện: Theo số liệu báo cáo của 04 huyện và thành phố Huế, đến tháng 4/2008 đã tiến hành kiểm tra được 2.421 văn bản, phát hiện 217 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và đã kiến nghị xử lý. HĐND, UBND cấp xã đã ban hành văn bản trái pháp luật tiến hành tự kiểm tra, xử lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản. 

8. Việc chấp hành quy định về gửi văn bản quy phạm pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành kiểm tra:

- Ở cấp huyện: Trong số 2.164 văn bản do HĐND và UBND cấp huyện ban hành được tiến hành kiểm tra, chỉ có 342 văn bản được gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra (tỷ lệ văn bản gửi là 15.8%).

- Ở cấp xã: Mặc dù thời gian đầu việc gửi văn bản quy phạm pháp luật về Phòng Tư pháp để kiểm tra không được HĐND và UBND cấp xã thực hiện, nhưng Phòng Tư pháp cấp huyện đã đôn đốc và có văn bản đề nghị, nên hiện nay công tác này đã được thực hiện tương đối nghiêm túc. 

9. Phương hướng công tác kiểm tra văn bản QPPL năm 2008 và những năm tiếp theo.

- Tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu và vai trò của công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức Hội nghị tập huấn mỗi năm một lần các chuyên đề về công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ soạn thảo, thẩm định, ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và cấp xã.

- Tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện, thành phố Huế và cấp xã ban hành để kịp thời uốn nắn, khắc phục những sai sót về hình thức, nội dung văn bản và đề xuất biện pháp xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật theo đúng quy định của Điều 8, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Từ nay về sau, các văn bản có nội dung trái pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện ban hành bị đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ sẽ đăng Công báo cấp tỉnh và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 9 Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

- HĐND và UBND các huyện, thành phố Huế với chức năng quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra văn bản cần quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo, tăng cường biên chế chuyên trách công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Tư pháp với chức năng giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp và cung cấp văn bản, tài liệu để Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác văn bản, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh về công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. 

Hữu Dũng