Huyện Yên Thế, Bắc Giang: qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg về công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở cấp xã, thị trấn

02/06/2008
Sau khi Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực UBND huyện Yên Thế đã giao cho phòng Tư pháp huyện triển khai và tổ chức thực hiện; tham mưu cho UBND huyện có kế hoạch triển khai tới các xã, thị trấn trong huyện.

Ngày 10/9/2004 phòng Tư pháp và Bưu điện huyện Yên Thế đã ký kết kế hoạch liên ngành số 65/KH-LN-TP-BĐ về việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách pháp luật xã đến điểm Bưu điện văn hoá xã. Từ khi kế hoạch luân chuyển được ban hành cứ ngày 15 hàng tháng cán bộ Tư pháp các xã, thị trấn phối hợp với điểm Bưu điện văn hoá xã tổ chức luân chuyển sách pháp luật mỗi đợt luân chuyển từ 30 đến 50 đầu sách, tổ chức chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng danh mục các đầu sách được luân chuyển cụ thể rõ ràng, những sách mới được cấp bổ sung tạo điều kiện cho nhân dân khi tra cứu tài liệu.

Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành Tư pháp, Bưu điện và các cơ quan chức năng khác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện luân chuyển tủ sách pháp luật cũng như việc xây dựng mở rộng tủ sách, bổ sung các đầu sách mới tại các xã, thị trấn và Bưu điện văn hoá xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin báo cáo hàng tháng, quý, năm theo quy định về cơ quan chức năng như Phòng Tư pháp và Bưu điện huyện Yên Thế.

Tổng số từ năm 1998 đến nay toàn huyện đã xây dựng được 40 tủ sách pháp luật tại UBND các xã, thị trấn và điểm Bưu điện văn hoá xã, thị trấn. Mỗi tủ sách luôn duy trì từ 150 đến 200 đầu sách phục vụ cho việc tra cứu của nhân dân.

Xây dựng tủ sách pháp luật là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước do vậy UBND huyện Yên Thế rất chú trọng đến công tác xây dựng tủ sách pháp luật tại cấp xã, thị trấn. UBND huyện đã giao cho Phòng Tư pháp chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong huyện tạo điều kiện về kinh phí mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc xây dựng tủ sách pháp luật như tủ đựng tài liệu, đầu tư kinh phí mua sách trang bị và sách cho tủ sách.  Hàng năm ngoài sách do UBND tỉnh cấp theo định kỳ thì UBND huyện đã đầu tư một phần ngân sách để bổ sung một số đầu sách cần thiết cho đời sống kinh tế xã hội của nhân dân địa phương. Các văn bản pháp luật mới được ban hành là lựa chọn đầu tiên cho công tác bổ sung của UBND huyện và các xã, thị trấn. Bên cạnh đó công tác thống kê, đánh giá số lượng đầu sách pháp luật còn hiệu lực được UBND huyện chỉ đạo mỗi năm thực hiện hai lần qua đó tổ chức phân loại các loại văn bản còn hiệu lực và các văn bản hết hiệu lực lập thành danh mục niêm yết tại phòng đọc sách để tiện cho công tác tra cứu.

Về quản lý tủ sách tại các xã, thị trấn:Tủ sách pháp luật sau khi được xây dựng được đạt tại 02 điểm trong xã một tủ đạt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn một tủ đạt tại điểm Bưu điện văn hoá xã, thị trấn. Mỗi tủ sách đều có quy chế khai thác cụ thể được gián tại nơi đặt tủ sách để cho công dân khi khai thác tủ sách nghiêm túc thực hiện.

Thời gian khai thác tủ sách được quy định và giờ hành chính đối với tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã, thị trấn còn tại điểm Bưu điện văn hoá xã thi thời gian được quy định từ 7 giờ đến 21 giờ 30 phút tất cả các ngày trong tháng. UBND xã có trách nhiệm phân công người theo dõi, quản lý tủ sách pháp luật đảm bảo cho việc khai thác tủ sách pháp luật được thuận tiện, hiệu quả tạo mọi điều kiện cho công dân tiếp cận chính sách pháp luật Đảng và nhà nước. Hàng năm UBND huyện có kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các nhân viên quản lý tủ sách nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách.

Về khai thác tủ sách pháp luật: Hàng tháng vào ngày 15 cán bộ Tư pháp xã phối hợp với nhân viên Bưu điện văn hoá xã luân chuyển mỗi lần từ 30 đến 50 đầu sách. Tại mỗi địa điểm đều có trang bị bàn ghế cho nhân dân ngồi đọc tại chỗ, khi nhân dân có nhu cầu nghiên cứu kỹ hơn văn bản cấn thiết phải mượn về thì được nhân viên quản lý tủ sách vào sổ theo dõi và cho nhân dân mượn theo quy định;

Để tiện cho việc tra cứu của dân UBND huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức phân loại sách theo từng lĩnh vực như: sách Pháp luật về kinh tế; sách pháp lật về đất đai; sách pháp luật về văn hoá, xã hội, quy chế dân chủ ở cơ sở (nay là quy chế dân chủ ở cấp xã) .... khi nhiều người có nhu cầu khai thác một loại văn bản thì UBND cấp xã có thể phô tô văn bản đó là nhiều bản phục vụ nhân dân, thường xuyên cho tuyên truyền danh mục các đầu sách mới được bổ sung trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã và ở cấp thôn, bản, phối hợp với các ban ngành đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ... sử dụng tủ sách pháp luật làm tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức. Lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ tại các câu lạc bộ ở thôn, bản. Kết quả báo cáo thống kê số lượng người đến khai thác sử sử dụng pháp luật toàn huyện từ khi năm 1998 đến nay là trên 394875 lượt người khai thác  nghiên cứu.

Qua thực hiện xây dựng tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại xã, thị trấn  đã mang lại hiểu quả trong việc sử dụng sách pháp luật và đưa pháp luật vào đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tiếp cận với pháp luật một cách thuận lợi mang lại hiểu quả trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần giảm tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân. Tủ sách pháp luật đã thực sự là là nơi lưu giữ tài liệu pháp luật nhằm phục vụ cho công tác quản lý cũng như điều hành của chính quyền các địa phương.

Hà Thanh Thuỷ