Toạ đàm khảo sát về người chưa thành niên phạm tội tại Khánh Hoà

02/06/2008
Ngày 29/5/2008, tại Nha Trang, Viện Khoa học xét xử (Toà án nhân dân tối cao) đã tổ chức Toạ đàm khảo sát về người chưa thành niên phạm tội tại tỉnh Khánh Hoà. Tham gia buổi Toạ đàm có đại diện của các cơ quan: Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Đoàn Luật sư và một số Hội thẩm nhân dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Toà án nhân nhân dân (TAND) tỉnh (chưa có điều kiện để có thống kê của các Toà án cấp huyện trong tỉnh) thì từ năm 2005 đến 2007, tình hình người chưa thành niên (CTN) phạm tội trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất nguy hiểm. Tỷ lệ bịc cáo là người CTN qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm ở TAND tỉnh là 14,5% (203 bị cáo CTN/1398 bị cáo). Một điều đáng nói là người CTN phạm tội thường đóng vai trò chủ động, trong một số trường hợp phạm tội họ là người tổ chức, rủ rê lôi kéo người đã thành niên, phạm tội có tính chất cấu kết thành băng nhóm. Số người CTN phạm tội ở độ tuổi từ 16-17 chiếm đa số và nhiều nhất là phạm các tội Hiếp dâm, giết người, cướp tài sản và cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, huỷ hoại tài sản.

Qua thực trạng nêu trên có thể nhận thấy trong thời gian qua việc giáo dục lối sống, đạo đức cho thanh thiếu niên chưa thực sự chú trọng, việc giáo dục pháp luật trong nhà trường chưa đạt hiệu quả cao nên việc nhận thức và hiểu biết về pháp luật của người CTN phạm tội còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc chưa có văn bản hướng dẫn thi hành điều 70 Bộ luật Hình sự năm 1999 về các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa đối với người CTN phạm tội: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng nên trong thời gian qua, TAND Khánh Hoà chưa thể áp dụng biện pháp tư pháp này đối với một trường hợp nào. Bởi nếu có áp dụng thì cũng không biết vận dụng ra sao. Mặt khác, cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định về thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù cho hưởng án treo đối với người CTN phạm tội nhằm tạo điều kiện để cộng đồng dân cư và các thành tố xã hội khác tham gia một cách có hiệu quả vào việc giáo dục, cảm hoá đối với người CTN phạm tội.

Trong hoạt động tố tụng, các đại biểu tham gia Toạ đàm đã nêu lên thực trạng trong việc tạm giam, tạm giữ và trong xét xử làm ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục, cảm hoá người CTN phạm tội. Trong nhà tạm giam, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên thường giam giữ người CTN phạm tội chung với các đối tượng đã thành niên. Làm như vậy chỉ mang nặng tính răn đe, trừng trị chứ chưa có ý nghĩa về mà mặt giáo dục. Một số trường hợp người CTN sau khi trở về cộng đồng thì có tư tưởng bất mãn, tính côn đồ cao hơn trước và rất dễ tái phạm. Do vậy cần phải thực hiện đúng quy định của nhà nước về chế độ giam giữ đối với người CTN phạm tội. Cần phải xem trại tạm giam không chỉ là nơi giáo dục, cải tạo người CTN phạm tội trở thành công dân tốt mà còn là nơi dạy nghề cho họ để tạo điều kiện cho người CTN sau khi tái hoà nhập cộng đồng có một nghề nghiệp lao động ổn định, tránh “nhàn cư vi bất thiện”.

Đối với công tác xét xử, các đại biểu cho rằng trình tự thủ tục xét xử người CTN phạm tội chỉ khác người đã thành niên ở thành phần hội đồng xét xử (có hội thẩm nhân dân là giáo viên, cán bộ Đoàn Thanh niên…) còn các hoạt động khác, nhất là việc đưa ra xét xử đều giống nhau, kể cả một số trường hợp phải xét xử lưu động. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý, nhận thức của các em. Theo quy định của pháp luật thì trong quá trình tố tụng,phải có Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người CTN tham gia. Tuy nhiên, trong thực tế hầu hết là đến khi ra Toà mới có Luật sư. Thông thường là Luật sư chỉ định nên họ phần lớn chưa làm hết khả năng của mình so với các vụ án khác mà thân chủ mời.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm đều thống nhất việc thành lập Toà án về người CTN nhưng có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên thành lập Toà án gia đình bao gồm cả việc xét xử người CTN phạm tội. Bởi vai trò của gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, giáo dục và hình thành nhân cách của người CTN. Mặt khác, có nhiều nguyên nhân đưa đến việc người CTN phạm tội nên việc nắm rõ hoàn cảnh gia đình, tình hình học tập sinh hoạt của người CTN hàng ngày sẽ có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong công tác xét xử mà quan trọng hơn là giúp cho việc giáo dục, phòng ngừa cảm hoá người CTN phạm tội đạt hiệu quả cao. Có ý kiến khác cho rằng nên thành lập Toà án chuyên trách về người CTN vì như thế sẽ có tính chuyên môn hoá cao, công tác điều tra, xét xử, phòng ngừa tội phạm sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên luồng ý kiến này không được đa số đồng tình bởi không phải tỉnh nào cũng có số vụ án về người CTN phạm tội cao, nếu thành lập Toà án chuyên trách mà có ít án thì rất lãng phí.

Được biết, Toạ đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hệ thống Tư pháp thân thiện với người chưa thành niên” do UNICEF tài trợ và Khánh Hoà là một trong 10 tỉnh, thành phố được Toà án nhân dân tối cao tiến hành khảo sát để từ đó đưa ra những cơ sở lý luận, khoa học và có tính thực tiễn cao để đề xuất với cấp có thẩm quyền về thành lập Toà án về người CTN phạm tội.

Hải Dương.