Hoà giải trong đồng bào dân tộc Hrê ở miền núi An Lão, Bình Định: Cần nhân rộng những cách làm hay!

18/02/2008
Bằng nhiều cách làm hay như trực tiếp tổ chức hoà giải tại nhà rông, trên rẫy, hoặc thông qua gia đình hai bên, nhất là vai trò của già làng…đã giúp các bên tranh chấp nhận ra cái sai, cái đúng, tự nguyện hoà giải để đem lại tình làng nghĩa xóm.

Trong thời gian qua, có các xã miền núi An Lão, Bình Định đã xuất hiện một số cách làm hay trong hoạt động hoà giải cơ sở, nhất là việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong công tác hoà giải. Ở Làng 6, An Quang, An Lão khi xây dựng Hương ước cho làng, già Hai đem các quy định luật hôn nhân và gia đình quy định pháp luật dân số, gia đình và trẻ em lồng vào hương ước và thông các buổi họp làng để tuyên truyền cho các thành viên tổ hoà giải, mục đích cho các hoà giải viên vận dụng khi thực hiện hoà giải. Kết quả, nhiều năm qua, cả làng 6 không có vụ việc tranh chấp nào đưa đến toà giải quyết. Còn ở thôn 2, An Vinh, An Lão, già Tua có một sáng kiến nhỏ nhưng đạt hiệu quả cao: Chuyển các văn bản luật thành dạng câu hỏi đáp rồi dịch ra tiếng Bana; sau đó thông qua các buổi hoà giải, buổi tuyên truyền pháp luật hướng dẫn, giải đáp cho các bên tranh chấp hiểu tự nguyện rút đơn hoặc tự thoả thuận, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, an ninh trật tự của làng. Ngoài ra, khi nhận thấy trong làng trai gái “tìm hiểu” nhau trước tuổi. Già Tua tìm hiểu và tự dịch ra tiếng Hrê một số câu ca ngợi hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, khuyên các chàng trai, cô gái không kết hôn sớm, cải biên cho dễ hát, dễ nhớ và thông qua bí thư đoàn của thôn tuyên truyền cho thanh niên trong làng truyền khẩu nhau thuộc nằm lòng. Người Hrê vốn yêu thích âm nhạc, nay lại được nghe hát “cái quy định về luật hôn nhân gia đình” bằng tiếng Hrê đâm ra say mê. Họp bàn việc quy hoạch rừng, khoán rừng cho từng hộ chăm sóc hoặc tại lễ cúng cơm mới cũng được mọi người hát, “cái” luật hôn nhân gia đình, dần dần thẩm thấu vào trong trí nhớ của bà con lúc nào không hay! Còn ở làng 3, An Quang, An Lão thì già Nháo có cách làm hoà giải trong các vụ mâu thuẫn gia đình độc đáo hơn, khi vợ chồng “có chuyện”, già Nháo tìm đến cha mẹ hai bên hỏi chuyện và yêu cầu họ cùng tham gia hoà giải, do vậy trai gái trong làng cứ nghĩ lời nói của già Nháo là lời nói của cha mẹ mình, buộc họ phải nghe theo…

Ông Phạm Minh Xây, Trưởng phòng Tư pháp huyện An Lão cho rằng, đây là những cách làm sáng tạo trong công tác hoà giải của các làng dân tộc miền núi An Lão, phù hợp với trình độ dân trí và nhận thức của bà con dân tộc Hrê. Một khi bà con dân tộc Hrê đã hiểu, đã thông “luật” thì việc hoà giải tranh chấp, vợ chồng “bỏ nhau” trở nên dễ dàng. Nhiều năm huyện miền núi An Lão ít xảy ra những vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình đưa đến toà giải quyết. Tuy nhiên, những mô hình kết hợp công tác hoà giải với tuyên truyền điển hình như thế này trên địa bàn của huyện còn rất ít...Qua tìm hiểu, những năm qua tình trạng tranh chấp dân sự, đưa đơn đến toà án yêu cầu ly hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão xảy ra rất ít, thậm chí không có. Có được kết quả trên, trước hết nhờ  uy tín, vai trò và những cách làm hay của già làng khi vận dụng pháp luật vào công tác hoà giải để giải quyết các tranh chấp, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Huyện miền núi An Lão, Bình Định hiện có 38 già làng, trong đó có già làng kiêm luôn trưởng thôn, cũng có già làng kiêm luôn bí thư chi bộ thôn. Ở các làng này, vai trò hoà giải của các già làng rất lớn, tuy không được hưởng một chế độ gì nhưng bằng uy tín, lòng nhiệt tình, có trái tim nhân hậu, và tinh thần vì cuộc sống cộng đồng đã kịp thời hoà giải, dàn xếp những xích mích, những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ của làng. Chính họ ngày đêm “ chân không mỏi” đến từng nhà, ra từng mảnh rẫy để vận động bà con trong làng thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, làm kinh tế giỏi...Nhờ vậy, bộ mặt ở các làng dân tộc thiểu số ở An Lão hiện có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, hiện họ vẫn chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng, tuy tỉnh đã  có hướng dẫn mức chi cho từng vụ hoà giải, nhưng UBND cấp xã không có tiền để chi, nên chỉ động tác động viên bằng tinh thần, tổ chức tôn vinh, biểu dương...Còn về tài liệu pháp luật cung cấp cho từng già làng hiện còn thiếu, nhất là tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số. Mong rằng, UBND các cấp cần dành nguồn ngân sách thoả đáng cho việc biên dịch tài liệu tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ kinh phí khi họ thực hiện hoà giải và đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác hoà giải trong đồng bào dân tộc thiểu số./.

N.H.H