CLB trợ giúp pháp lý phường Quang Trung, thị xã Kon Tum: Điểm đến của người nghèo, đối tượng chính sách

18/02/2008
Phường Quang Trung là một trong những phường nội thị, là trung tâm, kinh tế, văn hoá chính trị, xã hội của thị xã và cả tỉnh Kon Tum, có dân số là trên 14.000 người. Trong đó, có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 2.000 nhân khẩu, chiếm trên 12% số dân toàn phường. Toàn phường có 18 tổ, thôn, trong đó có 16 tổ dân phố và 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất tinh thần của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế chính trị ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có công tác hộ tịch, quản lý hộ khẩu, đối tượng thanh thiếu niên hư...

Trước tình hình đó, Đảng uỷ, chính quyền Phường Quang Trung rất quan tâm, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho các từng lớp nhân dân trên địa bàn phường, giúp họ tự giác tôn trọng và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng rất được coi trọng việc giải quyết dứt điểm, triệt để các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Được sự quan tâm của Sở Tư pháp, trực tiếp là Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Kon Tum (TGPL) phường Quang Trung được chọn để thí điểm thành lập Câu lạc bộ TGPL (CLB). CLB do Chủ tịch UBND phường thành lập, chỉ đạo trên cơ sở kiện toàn Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm hoạt động kém hiệu quả trước đây. UBND phường phân công 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Chủ nhiệm, 02 Phó Chủ nhiệm là cán bộ chuyên trách tư pháp-hộ tịch và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, các hội viên còn lại là các chức danh trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của phường.

Với mục đích chủ yếu là TGPL miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách khi có vướng mắc liên quan đến pháp luật, chế độ chính sách. Đồng thời, thông qua sinh hoạt CLB góp phần giúp các hội viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, tạo một hình thức sinh hoạt văn hoá mới cho nhân dân.

Thời gian đầu mới thành lập, lại hoạt động theo hình thức hoàn toàn mới nên CLB còn lúng túng về hình thức và nội dung sinh hoạt, nhưng được sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Trung tâm TGPL, nhất là các chuyên viên của Sở Tư pháp nên sau khi thành lập CLB đã từng bước đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả. Địa điểm sinh hoạt được tổ chức tại trụ sở phường hoặc các tổ dân phố, nhà rông của thôn. Các nội dung sinh hoạt ngày càng phong phú, thiết thực, các đợt sinh hoạt sau có chất lượng hơn đợt sinh hoạt trước, từng bước cải tiến được nội dung nên đã tập hợp, thu hút được ngày càng nhiều người dân trên địa bàn tham gia sinh hoạt cùng hội viên CLB. Tại các buổi sinh hoạt, CLB còn giới thiệu các quy định mới có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tổ chức cho hội viên và nhân dân tham gia tìm hiểu quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai... đan xen, lồng ghép vào các nội dung trên là các tiết mục văn nghệ nên thu hút được sự tham gia đông đảo nhân dân trên địa bàn.

Trong năm 2007, CLB đã tổ chức được hơn 12 đợt sinh hoạt. Qua các đợt sinh hoạt CLB đã phổ biến được 20 văn bản pháp luật mới ban hành và có liên quan trực tiếp đến nhiều từng lớp nhân dân như: Luật Cư trú, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ… Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền phường và cơ quan tư pháp cấp trên, CLB đã phân công hội viên đến tận các hộ dân tại 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khảo sát, thống kê số lượng trẻ em chưa đăng ký khai sinh để tiến hành đăng ký khai sinh miễn phí cho tất cả các em. CLB đã thụ lý, tư vấn, hoà giải thấu tình đạt lý 14 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trên địa bàn, trong đó chủ yếu là tranh chấp đất đai. Hướng dẫn giúp cho các hộ gia đình về lập thủ tục hồ sơ quyền sử dụng đất như tách, lập, chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai... đảm bảo đúng thủ tục và quyền lợi của nhân dân. Các hội viên của CLB cũng đã đến tận từng nhà vận động các em học sinh trên địa bàn bỏ học trở lại lớp.

Trong sinh hoạt CLB đã lồng ghép việc đọc báo, trao đổi kinh nghiệm văn nghệ, cung cấp thông tin pháp lý, cung cấp tài liệu để cán bộ, nhân dân nắm bắt tốt hơn các quy định của pháp luật. Nhằm tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân dân trong việc tìm hiểu pháp luật, được sự giúp đỡ về kinh phí của Trung tâm TGPL tỉnh, CLB đã mua sắm, bổ sung vào tủ sách pháp luật của CLB nhiều văn bản pháp luật mới, liên quan trực tiếp đến người dân. Để đẩy mạnh, mở rộng hơn nữa hoạt động xuống tận từng thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư CLB cũng đã tiến hành kết nạp thêm các hội viên là tất cả các bí thư chi bộ khu dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì CLB còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, như trình độ pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý của các hội viên còn hạn chế nên việc trợ giúp pháp lý, nhất là các lĩnh vực phức tạp như đất đai, khiếu nại, tố cáo cho các đối tượng hiệu quả chưa cao; việc truyền tải nội dung văn bản pháp luật chưa thật sự đầy đủ, hết nghĩa. Phương pháp tổ chức sinh hoạt chưa phong phú, đa dạng, chưa đổi mới về hình thức sinh hoạt; việc cung cấp tài liệu cho hội viên tham khảo còn thiếu; công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể chưa hiệu quả, đồng bộ...

Trong thời gian tới CLB tiếp tục kiện toàn để đẩy mạnh sinh hoạt CLB; kết nạp thêm hội viên là các tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư; triển khai sinh hoạt bằng hình thức tuyên truyền pháp luật, TGPL đến tận các cụm dân cư, tổ dân phố, nhất là các làng đồng bào dân tộc thiểu số; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ pháp luật cho các hội viên; cung cấp các tài liệu liên quan cần thiết cho hội viên thuận lợi hơn trong hoạt động; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phân công các hội viên chuyên sâu từng lĩnh vực cụ thể; lồng ghép các buổi sinh hoạt CLB với các ngày lễ lớn của dân tộc cũng như các ngày lễ kỷ niệm của các ngành, đoàn thể như ngày 26/3, 30/4, 8/3, 20/10, 20/11...

Phạm Văn Chung