Lạng Sơn: Ban hành kế hoạch thực hiện chương trình công tác trọng tâm ngành Tư pháp Lạng Sơn năm 2008

15/02/2008
Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ Tư pháp về ban hành chương trình công tác trọng tâm năm 2008 của Bộ Tư pháp, đồng thời căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn giao, Sở Tư pháp Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2008 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, các lĩnh vực Tư pháp được coi là trọng tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện bao gồm 5 công tác chính, đồng thời kế hoạch cũng đưa ra yêu cầu cụ thể đối với từng công tác:

          1. Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL):

          Nâng cao chất lượng thẩm định các văn bản QPPL. Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến được chứng minh bằng những lập luận, dẫn chứng rõ ràng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản. Trong quá trình thẩm định còn chú trọng xem xét các dự thảo văn bản QPPL hạn chế đến mức tối đa các dự thảo văn bản QPPL sao chép văn bản của Trung ương, những văn bản có nội dung mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn. Thẩm định kịp thời 100% các dự thảo văn bản QPPL do các sở, ban, ngành soạn thảo trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Tham gia góp ý 100% các dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và địa phương.

          Giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 100% văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành. Kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp huyện ban hành đạt từ 95% trở lên. Kịp thời phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái PL để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, tập trung kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Tư pháp theo kế hoạch của Bộ Tư pháp. Thường xuyên rà soát các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Kịp thời phát hiện, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ những văn bản trái với các quy định của pháp luật hiện hành; định kỳ 6 tháng 01 lần lập danh mục các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh đã hết hiệu lực thi hành để trình Chủ tịch UBND tỉnh.

          2. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

          Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 35- CT/TU ngày 27/4/2004 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và nâng cao ý thực chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ; Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg…Tham mưu cho Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch PBGDPL và chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

          Nội dung PBGDPL năm 2008 tập trung vào những văn bản PL liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các luật có hiệu lực thi hành năm 2008 như: Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Tương trợ Tư pháp; Luật đặc xá; Luật Hoá chất; Luật phòng, chống bện truyền nhiễm; Luật Chất lượng hàng hoá, sản phẩm hàng hoá…

          Đổi mới hình thức tuyên truyền, tăng cường công tác PBGDPL ở các địa bàn vùng cao, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở. Duy trì tốt hoạt động của Trang tin điện tử của Sở.

          3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL):

          Thực hiện tốt công tác TGPL tại văn phòng và trả lời đơn thư bạn xem truyền hình. Tăng cường mời Luật sư đại diện, bào chữa cho đối tượng tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Tiếp tục chỉ đạo các Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, chỉ đạo đôn đốc các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Trợ giúp viên, chuyên viên của Trung tâm TGPL, chỉ đạo UBND các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo thành lập các Câu lạc bộ TGPL theo chương trình giảm nghèo quốc gia và chương trình 135 giai đoạn 2.

          Trình UBND tỉnh đề án kiện toàn Trung tâm TGPL, thành lập các chi nhánh TGPL theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

          4. Quản lý nhà nước về công tác THA dân sự:

          Thực hiện uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện một số việc trong công tác tổ chức và cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ quan THA dân sự tỉnh và huyện; tuyển dụng đủ biên chế cho các đơn vị THA; xem xét đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm chấp hành viên và các chức danh khác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung.

          Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị THA trong tỉnh, tổ chức tốt việc thi hành các vụ, việc có điều kiện thi hành, phấn đầu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền so với số việc có điều kiện thi hành tập trung giải quyết cơ bản án tồn đọng, tăng cường giải quyết KN, TC về thi hành án.

          5. Tập trung thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Sở; hoạt động của các Văn phòng luật sư; công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực tại cấp Huyện. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hồ sơ THA, việc quản lý thu, chi tiền THA, xử lý tang vật…thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân và xử lý đơn thư theo thẩm quyền.

          Ngoài những công tác trọng tâm, kế hoạch còn xác định những nhiệm vụ quan trong là tiếp tục cải cách hành chính, cải cách Tư pháp, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị; kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan Tư pháp các cấp, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động của Sở./.

Với những định hướng, kế hoạch cụ thể của nhiệm vụ trọng tâm trên và sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công chức Sở Tư pháp có thể nói công tác Tư pháp năm 2008 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ có nhiều khởi sắc.

Đức Khoa