UBND tỉnh Tây Ninh ban hành: Chương trình hành động thực hiện mục tiêu 4 giảm đến năm 2010

14/02/2008
Qua 05 năm Tây Ninh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu 4 giảm đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng đã đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, tội phạm đặc biệt nguy hiểm; xoá nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội, tăng cường các biện pháp thiết lập lại trật tự an toàn giao thông, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên, liên tục, còn nặng về hình thức nên hiệu quả chưa cao, một số nội dung thực hiện chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, tình hình hoạt động của một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005 – 2010) đã đề ra về công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; ngày 05.02.2008, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện mục tiêu 4 giảm đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Công tác tuyên truyền, vận động và phòng ngừa xã hội:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm và an toàn giao thông đến từng hộ gia đình và người dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn mại dâm và tai nạn giao thông cho quần chúng nhân dân.

Thông báo cho cán bộ và nhân dân về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm; tuyên dương, khen thưởng quần chúng điển hình, tiêu biểu trong tham gia truy bắt, tố giác tội phạm.

Huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở trong việc quản lý, giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ các đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay để góp phần hỗ trợ cho công tác phòng ngừa tội phạm.

Tăng cường phối hợp hành động giữa UBMTTQ, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu 4 giảm, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Củng cố và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng ở cơ sở, sử dụng các lực lượng như: Tổ dân cư tự quản, Đội tuần tra nhân dân, Lực lượng thanh niên xung kích... để làm nòng cốt trong công tác phòng chống tội phạm ngay tại địa bàn cơ sở; xây dựng và duy trì có hiệu quả phong trào ở xóm, ấp, xã, phường, cơ quan, trường học không có tội phạm, tổ tự quản về an toàn giao thông.

2. Công tác đấu tranh chống tội phạm trộm, cướp, hiếp dâm trẻ em:

Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng trọng điểm, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính; lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội. Kết hợp chặt chẽ công tác tuần tra kiểm soát giao thông với công tác tuần tra kiểm soát phòng chống cướp.

Nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án xảy ra nhất là các vụ cướp có vũ khí, trộm cắp tài sản có giá trị lớn. Lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường quan hệ với lực lượng chức năng tỉnh Svayrieng và Kompongcham – Vương quốc Campuchia để phối hợp trao đổi thông tin tình hình tội phạm cướp trên tuyến biên giới.

3. Công tác phòng chống ma tuý:

Mở các đợt cao điểm phát động quần chúng tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm ma tuý và bài trừ tệ nạn ma tuý. Rà soát kịp thời để đấu tranh chuyển hoá địa bàn phức tạp về ma tuý, không để hình thành các tụ điểm phức tạp; đấu tranh triệt xoá các tổ chức, đường dây, ổ nhóm mua bán và tổ chức sử dụng ma tuý, nhất là các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới. Theo dõi, quản lý chặt đối tượng sử dụng ma tuý để giáo dục, chữa bệnh kịp thời, không để nghiện nặng hoặc trở thành tội phạm. Quản lý, giáo dục và tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng dân cư cho số người mới sử dụng ma tuý.

Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Hải quan và Bộ đội Biên phòng trong đấu tranh phòng chống ma tuý trên tuyến biên giới, cửa khẩu. Duy trì quan hệ hợp tác với các tỉnh Kompongchàm và Svayrieng của Vương quốc Campuchia về phòng chống ma tuý, thực hiện các chuyên án đấu tranh triệt xoá các tổ chức, đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới có tính quốc tế.

4. Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm:

Thực hiện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn mại dâm với các chính sách, chương trình kinh tế - xã hội, các dự án, đề án có liên quan. Ưu tiên hỗ trợ trực tiếp phụ nữ nghèo, người bán dâm hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng.

Quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Xử lý nghiêm các vi phạm về văn hoá phẩm đồi truỵ. Không cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn ở những điểm không phù hợp, không đảm bảo an ninh trật tự. Tăng cường quản lý chặt chẽ, có biện pháp giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, massage... trên địa bàn.

Phối hợp với Cảnh sát thành phố Phnômpênh, Svayrieng, Kompongcham, Prayveng phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả việc mua bán, đưa phụ nữ và trẻ em Việt Nam ra nước ngoài.

5. Công tác phòng ngừa tai nạn giao thông:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông đến năm 2010; củng cố, tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát; trang bị phương tiện, thiết bị đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát.

Kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, xử lý kiên quyết các hành vi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Kiểm tra, sắp xếp ổn định trật tự các bến bãi, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đô thị. Điều chỉnh, bổ sung hợp lý những nơi dừng, đỗ xe, dãy phân cách, hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu để giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông. Đình chỉ lưu hành phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; xử lý nghiêm đối với các trường hợp tiêu cực trong sát hạch cấp giấy phép lái xe và kiểm định an toàn kỹ thuật./.

Anh Tuyết