Bình Định: Đánh giá văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

12/02/2008
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức đánh giá thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả các văn bản QPPL về chất lượng VSATTP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp đồng bộ, chặt chẽ  trong việc tổ chức triển khai các công tác bảo đảm CLVSATTP. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 753/QĐ-CTUB ngày 01/4/2005 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo mục tiêu bảo đảm CLVSATTP tỉnh Bình Định (sau đây gọi tắt là BCĐ); Quyết định số 1234/QĐ-CTUBND ngày 26/5/2006 về việc thành lập Tổ thư ký giúp việc BCĐ; Quyết định số 1290/QĐ-CTUBND ngày 05/6/2006 về việc ban hành Quy chế làm việc BCĐ và phân công trách nhiệm cho các thành viên BCĐ. Trên cơ sở đó, BCĐ cấp tỉnh ngày càng được củng cố và nêu cao vai trò của các ngành trong quản lý, chỉ đạo về CLVSATTP tại tỉnh. Tại các huyện, thành phố và các xã, phường, BCĐ các cấp thường xuyên được rà soát và củng cố để đảm bảo chỉ đạo tốt các hoạt động bảo đảm CLVSATTP tại địa phương. Cho đến nay, 100% huyện, thành phố và xã, phường đều đã thành lập BCĐ với đầy đủ các ngành tham gia.

Tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất thực hiện công tác bảo đảm CLVSATTP ngành Y tế: Phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế) có 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác VSATTP, Thanh tra Sở Y tế có 01 cán bộ kiêm nhiệm về VSATTP, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có Khoa Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng với 04 cán bộ quản lý và 01 cán bộ kiểm nghiệm vi sinh, 02 cán bộ kiểm nghiệm hoá thực phẩm. Tại Trung tâm Y tế  huyện/ thành phố  có 01 cán bộ  kiêm nhiệm phụ trách VSATTP. Tại Trạm Y tế xã/ phường/ thị trấn có 01 cán bộ kiêm nhiệm về VSATTP. Ngành Y tế và các ngành chức năng đã tổ chức tập huấn kiến thức và triển khai kịp thời các văn bản pháp quy về chất lượng VSATTP đến các đối tượng: cán bộ y tế, cán bộ các ngành liên quan, các nhà quản lý. Cho đến nay, 100% cán bộ y tế phụ trách chương trình đã được tập huấn và bổ túc kiến thức hàng năm.

Đã triển khai các hoạt động cấp Giấy chứng nhận bằng cách thông báo cho các cơ sở thực phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo trực tiếp; tổ chức tập huấn cho người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh  thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm theo tuyến quản lý, cụ thể:

Năm

Tuyến tổ chức

Lớp/ người tham dự tập huấn về VSATTP

2006

Tỉnh

17 lớp cho 55 cơ sở với 707 người tham dự

2007

12 lớp với 482 học viên tham dự

2006

Huyện/ thành phố

37 lớp tập huấn với 1.846 người tham dự

2007

18 lớp với 1.296 người tham dự

2006

Các xã/ phường

1.097 người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và phục vụ ăn uống không có đăng ký kinh doanh tham dự

2007

19 lớp, 615 người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và phục vụ ăn uống không có đăng ký kinh doanh tham dự

 

Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho các doanh nghiệp thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/ thành phố tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho các cơ sở thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên, một số UBND huyện chậm triển khai cấp Giấy chứng nhận và không uỷ quyền cho Trung tâm Y tế huyện (vì chưa thành lập Trung tâm Y tế dự phòng huyện) hoặc cho Phòng Y tế huyện triển khai hoạt động này nên tiến độ cấp Gấy chứng nhận bị chậm, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. UBND các xã chưa quan tâm đúng mức đối với việc bảo đảm VSATTP đối với cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn chưa tự giác chấp hành, thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận. Điều kiện VSATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các cơ sở thực phẩm nhỏ, đã được xây dựng từ trước. Chi phí để cải tạo các điều kiện vệ sinh, khám sức khoẻ định kỳ theo quy định đối với các cơ sở này là khá lớn nên các cơ sở này gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Y tế dự phòng là đơn vị tiếp nhận, thẩm định hồ sơ; Sở Y tế là đơn vị cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận TCSPTP); việc này gây lãng phí, mất nhiều thời gian do Sở Y tế phải thẩm định lại. Việc triển khai cấp Giấy chứng nhận TCSPTP còn phân tán; đối với các sản phẩm thực phẩm thuỷ sản tiêu dùng nội địa thì Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp và Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận TCSPTP đối với các sản phẩm thực phẩm còn lại. Các cơ sở thực phẩm chưa nắm được hết ý nghĩa của việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Phần lớn các nguyên liệu  nông sản thực phẩm chưa được cấp Giấy chứng nhận TCSPTP. Quản lý phụ gia thực phẩm, bao bì thực phẩm còn lỏng lẻo. Việc cấp Giấy chứng nhận TCSPTP cho lương thực chưa có quy định cụ thể. Các thực phẩm thuộc diện không bắt buộc công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm rất khó quản lý. Hệ thống tiêu chuẩn CLVSATTP còn rất thiếu và không đồng bộ, không phù hợp. Nhiều sản phẩm thực phẩm hiện không có tiêu chuẩn, nhất là các sản phẩm truyền thống địa phương, sản phẩm nông sản thực phẩm; một số sản phẩm thực phẩm có tiêu chuẩn chất lượng nhưng không có tiêu chuẩn VSATTP; một số sản phẩm thực phẩm khác lại có nhiều tiêu chuẩn áp dụng và không thống nhất; việc chia nhóm trong quy định tiêu chuẩn tại Quyết định số 867/QĐ-BYT ngày 4/4/1998 của Bộ Y tế chưa phù hợp với thực tế; nhiều tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm về CLVSATTP không nêu rõ phương pháp thử nghiệm tương ứng, thậm chí các đơn vị đo lường cũng không rõ ràng; quy định về tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng còn chưa cụ thể. Chưa ban hành tiêu chuẩn về quy trình công nghệ để sản xuất một số loại sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao như nước uống đóng chai… cần bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng. Các tiêu chuẩn CLVSATTP chưa được phổ biến rộng rãi cho các nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước; hiện tại việc tìm kiếm và mua các tiêu chuẩn này nhiều lúc gặp khó khăn, ngay cả đối với các cơ quan quản lý. Năng lực kiểm nghiệm tại tuyến tỉnh còn hạn chế, các kết quả kiểm nghiệm chưa được công nhận. Mẫu thực phẩm công bố tiêu chuẩn do cơ sở thực phẩm tự lấy gửi đi kiểm nghiệm, không có sự giám sát của cơ quan y tế.

Nguyễn Huỳnh Huyện