Nam Định sau 3 năm thực hiện Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay”

22/05/2008
Thực hiện Quyết định số 666/QĐ-BTP ngày 08/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay”, sau 3 năm thực hiện Đề án tại Nam Định đã tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, vai trò, ý nghĩa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của nhân dân, nhằm từng bước nâng cao dân trí pháp lý, ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngay từ năm 2005, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 3215/QĐ-UB ngày 19/12/2005 thành lập Ban điều hành Đề án “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân cơ sở” trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ban điều hành Đề án gồm có 7 thành viên trong đó đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ngay sau đó, ngày 01/11/2005 Ban điều hành Đề án đã xây dựng Kế hoạch 217/KH-UBND để triển khai thực hiện đề án theo nội dung chỉ đạo của Bộ Tư pháp, trong đó chọn 3 đơn vị làm điểm để thực hiện là: Xã Minh Tân (huyện Vụ Bản), Thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), Phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định). Theo kế hoạch đề ra, Sở Tư pháp Nam Định là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, làm thường trực, đầu mối phối hợp giữa các ngành thành viên. Phân công thành viên là lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trực tiếp chỉ đạo đơn vị thị trấn Cổ Lễ; thành viên là lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh tỉnh trực tiếp chỉ đạo đơn vị phường Phan Đình Phùng; thành viên là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo đơn vị xã Minh Tân. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã có công văn 219/UBND-VP8 ngày 26/7/2006 chỉ đạo các huyện, thành phố có đơn vị làm điểm thực hiện Đề án theo đúng nội dung Kế hoạch đã đề ra.

Ngày 08/8/2007, Ban điều hành đề án đã ban hành kế hoạch số 09/STP- PB về việc triển khai thực hiện đề án, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nòng cốt tại cơ sở làm nhiệm vụ trực tiếp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân; Định kỳ tiến hành thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại UBND các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm và lồng ghép các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cuộc họp tổ dân phố, thôn xóm; Kí cam kết gia đình, thôn xóm, khu dân cư không có người vi phạm pháp luật; Mở hòm thư và giải quyết vướng mắc pháp luật tại UBND xã, phường, thị trấn; phối hợp thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở; Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Bộ đội biên phòng tỉnh và đội quân công tác; tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật ở các huyện biên giới biển.

Ở cấp huyện, Phòng Tư pháp các huyện: Vụ Bản, Trực Ninh và thành phố Nam Định tham mưu cho UBND cùng cấp, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị làm điểm theo nội dung kế hoạch đã đề ra.

Ở các đơn vị điểm, thực hiện kế hoạch của Ban điều hành Đề án, UBND xã Minh Tân, thị trấn Cổ Lễ, phường Phan Đình Phùng đã quyết định thành lập Tổ công tác “phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân ở cơ sở” bao gồm 5 thành viên: Công chức Tư pháp  - Hộ tịch, Văn hoá - Xã hội, Mặt trận tổ quốc, hội viên Cựu chiến binh, hội viên Phụ nữ do đồng chí công chức Tư pháp - Hộ tịch làm tổ trưởng, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể ở cơ sở.

Trong 2 năm 2006 và 2007, Sở Tư pháp và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch Liên ngành số 01/KHPH-STP-BĐBP ngày 20/7/2006 và kế hoạch số 10/KHPH – STP - BĐBP ngày 21/9/2007 về việc phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn biên giới Biển. Hai bên thống nhất tiến hành khảo sát lựa chọn địa bàn điểm; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên của lực lượng Bộ đội biên phòng; tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân ở địa bàn biên giới biển thuộc phạm vi quản lý của Bộ đội biên phòng…

Trên cơ sở nhiệm vụ đã được xác định, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân tiến hành triển khai, sau 3 năm thực hiện Đề án, Nam Định đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất là việc tập huấn cho cán bộ nòng cốt ở đơn vị làm điểm, bộ đội biên phòng để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, địa bàn.

Ban điều hành đề án đã tổ chức tập huấn cho Trưởng phòng Tư pháp các huyện, Thành phố, Chủ tịch các xã, phường, thị trấn thực hiện điểm và tổ công tác của 3 đơn vị được chọn làm điểm. Nội dung tập huấn tập trung vào những lĩnh vực pháp luật: Hình sự, Dân sự, Đất đai và Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý Hộ tịch, Hành chính, giải quyết Khiếu nại - Tố cáo, Hôn nhân và Gia đình, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật bảo vệ môi trường, Luật cư trú và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật…. Thông qua tập huấn, trình độ của các thành viên trong tổ công tác đã được từng bước nâng cao, đội ngũ nòng cốt tại khu phố, thôn xóm thường xuyên tiến hành  các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân ở cơ sở dưới các hình thức như: phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, các tài liệu pháp luật có liên quan hoặc thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, hoà giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Các hoạt động này đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân.

Thứ hai là tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua lực lượng Bộ đội Biên phòng

Thực hiện các kế hoạch liên ngành trong 2 năm 2006 và 2007 về việc phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn biên giới biển, Sở Tư pháp Nam Định đã cung cấp tài liệu, tập huấn nghiệp vụ, định hướng nội dung pháp luật cần tuyên truyền, chuyển kinh phí đảm bảo cho hoạt động chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại cơ sở của Bộ đội biên phòng tỉnh theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các chính quyền và các đồn biên phòng địa phương trên địa bàn 3 huyện có biên giới biển (huyện Giao Thuỷ, huyện Nghĩa Hưng, huyện Hải Hậu) tổ chức được 5 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại các địa bàn trên cho gần 2.000 người với các nội dung pháp luật như: Pháp luật về Biên giới quốc gia; Luật dân sự, đất đai, Hôn nhân gia đình, Khiếu nại tố cáo, Môi trường, Thuỷ sản, Luật Nghĩa vụ quân sự… Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã xây dựng, bổ sung sách và tài liệu pháp luật cho 6 tủ sách pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh (bao gồm 6 đơn vị Biên phòng: Đồn 84, 88, 92, 96,100 và Hải đội 2); tổ chức toạ đàm “phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới biển” với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể của tỉnh, 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ và 1 số xã, thị trấn ven biển.  Theo kế hoạch đã đề ra từ nay đến hết năm 2007, Sở Tư pháp sẽ cùng Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn biên giới biển với các nội dung pháp luật về hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, pháp luật về đê điều, pháp luật về môi trường, pháp luật về cư trú… Thông qua hoạt động phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới biển đã giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương. 

Tại 3 đơn vị làm điểm thực hiện Đề án là: xã Minh Tân (huyện Vụ Bản), thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định):

Sở Tư pháp Nam Định đã chủ động biên soạn, khai thác, phát hành sách, tài liệu, tờ rơi pháp luật tới các đối tượng cơ sở. Trong năm 2006 phát hành 120 cuốn “Sổ tay pháp luật dành cho người dân ở cơ sở”, 120 cuốn hỏi đáp về bồi thường thiệt hại; phát hành các loại tờ rơi pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau liên quan trực tiếp tới người dân ở cơ sở với số lượng hơn 10.000 tờ. Trong năm 2007 đã phát hành 640 cuốn tài liệu về “phòng chống tệ nạn xã hội”, “pháp luật về khuyến khích phát triển kinh tế”, “hỏi đáp pháp luật về hộ tịch”, “pháp luật về đất đai” và 6000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật đến cơ sở, 75 bộ băng catset pháp luật cùng với hơn 1.000 cuốn Bản tin Tư pháp do Sở tư pháp trực tiếp biên soạn phát hành hàng quý.

Trong hai năm 2006 và 2007, tổ công tác “phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân ở cơ sở” của 3 đơn vị cấp xã chỉ đạo điểm đã tiến hành tổ chức gần 60 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, cho gần 5.000 người; nội dung tuyên truyền tập trung vào những lĩnh vực: pháp luật về Hình sự, pháp luật về Dân sự, Đất đai, Hôn nhân- gia đình, bảo vệ môi trường và Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý Hộ tịch, pháp luật về Hành chính và giải quyết Khiếu nại - Tố cáo, Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Pháp luật phòng chống tham nhũng, Pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật bình đẳng giới….

Công chức Tư pháp  - Hộ tịch với tư cách là tổ trưởng tổ công tác đã chủ động thực hiện tốt việc phối hợp với các thành viên, tổ chức các cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra còn phối hợp chỉ đạo lồng ghép phổ biến pháp luật vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức, đoàn thể cũng như tại các buổi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, xóm, cụm dân cư; kết hợp sinh hoạt văn hoá, văn nghệ với nói chuyện pháp luật. Thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo cơ hội thuận lợi để mọi người tìm hiểu pháp luật và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ công tác đã chú trọng việc tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh với nội dung và thời gian thích hợp cho từng đối tượng nghe, vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn, xóm, đường phố an toàn; Khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, giới thiệu sách pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh, các bản tin khu dân cư, tổ chức trao đổi sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật với thư viện công, điểm bưu điện văn hoá xã hiệu quả, đưa sách pháp luật về thôn, xóm, tổ dân phố.

Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan Tư pháp cấp trên, tại từng đơn vị chỉ đạo điểm của Đề án đã tiến hành mở hòm thư và tổ chức giải đáp vướng mắc pháp luật của nhân dân vào một ngày cố định trong tuần, trong năm 2006 đã tiến hành 36 lần mở hòm thư tại mỗi điểm. Sang năm 2007 hoạt động này tiếp tục được triển khai đúng kế hoạch. Mỗi lần mở hòm thư đều có biên bản của chính quyền địa phương; các yêu cầu giải đáp phần lớn tập trung vào các lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân gia đình, dân sự (lập di chúc, phân chia tài sản…) đều được tổ công tác trả lời trực tiếp và giải thích cặn kẽ cho người dân có nhu cầu (Một số trường hợp không trực tiếp giải thích được đã chuyển lên Phòng tư pháp và Phòng phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp hướng dẫn giải đáp cụ thể). Ngoài việc mở hòm thư và giải quyết vướng mắc của nhân dân về pháp luật, đội ngũ nòng cốt tại cơ sở còn trực tiếp tham gia hoà giải các tranh chấp, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, xây nếp sống văn hoá, khu phố, thôn xóm bình yên, không có người vi phạm pháp luật.

Tổ công tác đã vận dụng linh hoạt các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép phổ biến pháp luật thông qua các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã  hội, đoàn thể phát động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới, khu dân cư, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; đồng thời thực hiện tốt các chương trình phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cơ quan theo Quyết định 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 về chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010.

Ban chỉ đạo đề án đã xây dựng và phát hành 6.000 bản cam kết “chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật” đến 3 đơn vị chỉ đạo điểm. Tại từng đơn vị, tổ trưởng tổ dân phố vận động nhân dân địa phương chấp hành pháp luật, ký cam kết gia đình, tổ dân phố, thôn xóm không có người vi phạm pháp luật; trực tiếp phát tài liệu và giải thích pháp luật tại từng gia đình, đặc biệt là tại các gia đình có người vi phạm pháp luật. Việc làm này đã ít nhiều góp phần làm giảm bớt tình hình vi phạm pháp luật tại các đơn vị làm điểm.

Có thể nói, sau 3 năm tiến hành triển khai Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, các Ban ngành, Đoàn thể. Thông qua việc nghiêm túc thực hiện Đề án tại các nơi làm điểm đã tạo nên sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, vai trò, ý nghĩa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của nhân dân, nhằm từng bước nâng cao dân trí pháp lý, ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh./.

Trần Hồng Nhung