Kết quả triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý ở An Giang

20/05/2008
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khoá 11 thông qua tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ 1/1/2007 gồm 8 chương 52 điều, qui định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là những đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Những vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Luật này qui định các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý gồm trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị-xã hội; tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. 

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, ngày 31 tháng 01 năm 2007 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Luật TGPL và Chỉ thị 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc Sở Tư pháp biên soạn tài liệu pháp luật về trợ giúp pháp lý, phát hành tờ gấp pháp luật miễn phí đến tận các đối tượng được trợ giúp pháp lý và nhân dân ở một số vùng, tổ chức quán triệt các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng và lãnh đạo HĐND, UBND các cấp; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật về những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong các vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, các xã biên giới để nhân dân và các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Nhà nước.

Kết quả trong năm 2007, toàn tỉnh đã tổ chức 03 lớp tập huấn pháp luật cho thành viên nhóm hỗ trợ cộng đồng, 06 lớp tuyên truyền pháp luật về Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán trong cộng đồng ; 02 lớp tập huấn Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho 132 thành viên các Tổ TGPL cấp huyện và Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở . Tổ chức 02 cuộc Toạ đàm về   “ Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán ” nhằm trao đổi kinh nghiệm và các hình thức tiếp cận đối tượng là nạn nhân bị buôn bán để nâng cao hiệu quả trong hoạt động phòng ngừa, bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân . Xây dựng Kế hoạch hoạt động lồng ghép giữa hoạt động tư vấn pháp luật lưu động với tuyên truyền phổ biến GDPL. 

Để phục vụ cho hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung Tâm TGPL đã in và cung cấp 25.000 tờ gấp ( 15.000 tài liệu tiếng Khơmer) cung cấp cho cấp huyện và cơ sở liên quan đến phạm vi điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành gắn với sinh hoạt trong cộng đồng dân cư như : Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh hoà giải, Luật Khiếu nại, tố cáo …; Kết hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý và giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý, đối tượng được TGPL miễn phí của Nhà nước .

Trung Tâm TGPLNN đã triển khai thực hiện 02 Dự án trong năm gồm : Dự án phòng,chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán do Quỹ Châu Á tài trợ thông qua Cục TGPL( đã kết thúc tháng 10/2007) ; Dự án hỗ trợ hệ thống pháp luật ở Việt Nam ( hiện đang thực hiện) . Quá trình thực hiện, báo cáo, thanh quyết toán đầy đủ theo cam kết đúng yêu cầu, nội dung chỉ đạo của Cục TGPL - Bộ Tư pháp.

Kết quả hoạt động Trợ giúp, tư vấn: Trong năm 2007 toàn tỉnh đã thực hiện 7.179 vụ, việc trợ giúp pháp lý, trong đó: Cấp tỉnh thực hiện 1.327 trường hợp; cấp huyện và cơ sở thực hiện 5.852 trường hợp. Thực hiện đại diện, bào chữa 64 vụ ( dân sự 47 vụ, hình sự 17 vụ ), trong đó có 20 cuộc tư vấn pháp luật lưu động. Đối tượng trợ giúp pháp lý có 5.387 trường  hợp thuộc diện nghèo, 46 đối tượng chính sách, 82 người dân tộc thiểu số,  còn lại là các đối tượng khác.

Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tổ chức các lớp tập huấn các nội dung của các văn bản luật năm 2007, trong đó có Luật Trợ giúp pháp lý nên đến nay, nhận thức trong cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh về hoạt động trợ giúp pháp lý đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần đưa Luật Trợ giúp pháp lý được triển khai thực hiện có hiệu quả trong phạm vi tỉnh.

Trần Hải Quân (STPAG)