Đà Nẵng ban hành Chỉ thị về việc triển khai thực hiện chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến năm 2012

19/05/2008
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2003 - 2007, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã tạo được sự chuyển biến tích cực ở các ngành, các cấp, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chưa triển khai sâu rộng đến tất cả các đối tượng, có một số đối tượng vẫn nằm ngoài công tác tuyên truyền. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay vẫn chưa được đầu tư kinh phí tương xứng, chưa đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đặt ra, trong khi văn bản pháp luật ban hành ngày càng nhiều.  

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố, đồng thời thực hiện có hiệu quả Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12  tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012, ngày 17/4/2008 Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 với những nội dung như sau:     

1. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố có trách nhiệm:                    

a) Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền giữ vai trò quyết định hàng đầu, coi nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân.

b) Xây dựng chương trình hoạt động cụ thể hàng năm. Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi kiểm tra trong việc tổ chức triển khai các nội dung của Chương trình. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình này, trên cơ sở đó khẳng định những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, rút ra những bài học, kinh nghiệm cần thiết để triển khai tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

          c) Định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về tình hình triển khai và kết quả thực hiện, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện các nội dung cụ thể của Chương trình.   

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

 a) Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố;

b) Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật;

3. Các sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương:

a) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và nhân dân, coi đây là biện pháp cơ bản, lâu dài để thiết lập trật tự đô thị và đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

b) Bảo đảm kinh phí từ ngân sách để thực hiện có hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép các hoạt động của Chương trình này với các chương trình, dự án khác liên quan trên địa bàn. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

c) Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo UBND thành phố (thông qua Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố) về kết quả thực hiện Chương trình. Thực hiện chế độ khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

4. Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh  Truyền hình Đà Nẵng và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố tiếp tục củng cố, xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật phục vụ cán bộ và nhân dân; tăng thời lượng phát thanh, truyền hình về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật, kịp thời đưa tin các điển hình tốt và các trường hợp vi phạm pháp luật để động viên, rút kinh nghiệm, công khai phê phán hành vi vi phạm pháp luật.

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên chủ động, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tích cực vận động nhân dân tự giác tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đẩy mạnh việc giám sát hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức; kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vướng mắc phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo./.

Thu Hường