Nam Định: Mô hình điểm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở

22/05/2008
Thực hiện Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay” theo Quyết định số 666/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong 2 năm 2006-2007 triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định, Đề án đã phát huy tốt tác dụng hiệu quả tại cộng đồng dân cư.

Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc triển khai Đề án, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 3215/QĐ-UB ngày 19/12/2005 về việc thành lập Ban điều hành Đề án “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân cơ sở” trên địa bàn tỉnh Nam Định, gồm 7 thành viên do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó trưởng ban và các thành viên khác là lãnh đạo các ngành: Sở Nội vụ, Sở Văn Hoá - Thông tin, Uỷ ban MTTQ tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Ban điều hành Đề án đã xây dựng Kế hoạch 217/KH-UBND để triển khai thực hiện đề án, trong đó chọn 3 đơn vị làm điểm để thực hiện là: Xã Minh Tân (huyện Vụ Bản), Thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), Phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định).

Ban điều hành đề án tỉnh đã thành lập ở mỗi đơn vị điểm 01 Tổ công tác “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là nhân dân ở cơ sở” với 5 thành viên: Công chức Tư pháp  - Hộ tịch, Văn hoá - Xã hội, Mặt trận tổ quốc, hội viên Cựu chiến binh, hội viên Phụ nữ do đồng chí công chức Tư pháp - Hộ tịch. Đây là lực lượng trực tiếp vận dụng những kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật kết hợp với UBND xã, phường, thị trấn định kỳ tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại địa phương, mở hòm thư giải quyết các vướng mắc của nhân dân về pháp luật; vận động nhân dân chấp hành pháp luật; ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật; phát hành tài liệu pháp luật; hoà giải tranh chấp, xích mích… 

Trong hoạt động tổ chức tập huấn cho cán bộ nòng cốt: Mỗi năm một lần Ban điều hành tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho lực lượng nòng cốt. Các cán bộ nòng cốt đã được nghe giới thiệu các chuyên đề về pháp luật và kỹ năng tuyên truyền pháp luật gồm: Hình sự, Dân sự, Đất đai và Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý Hộ tịch, Hành chính, giải quyết Khiếu nại - Tố cáo, Hôn nhân và Gia đình, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật bảo vệ môi trường, Luật cư trú và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật….  

Trong hoạt động định kỳ phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân: Định kỳ mỗi tháng một lần, UBND xã, phường, thị trấn chủ trì, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, giải đáp thắc mắc có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân cho nhân dân ở thôn, xóm, tổ dân phố. Nội dung triển khai theo kế hoạch của Ban điều hành đề án tỉnh, báo cáo viên chủ yếu do cán bộ Phòng Tư pháp huyện triển khai, trong 2 năm đã tổ chức được 60 cuộc tuyên truyền pháp luật tại 3 xã điểm với hơn 5000 lượt người được nghe. Đồng thời, Ban điều hành Đề án tỉnh chỉ đạo tổ công tác cơ sở tiến hành tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh với nội dung và thời gian thích hợp cho từng đối tượng nghe; phối hợp chỉ đạo lồng ghép phổ biến pháp luật vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức, đoàn thể cũng như tại các buổi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, xóm, cụm dân cư, kết hợp sinh hoạt văn hoá, văn nghệ với nói chuyện pháp luật; khai thác hiệu quả tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, tổ chức trao đổi sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật với thư viện công, điểm bưu điện văn hoá xã hiệu quả, đưa sách pháp luật về thôn, xóm, tổ dân phố. 

Trong hoạt động mở hòm thư giải đáp pháp luật: Ban điều hành Đề án tỉnh đã đóng thí điểm 3 hộp thư đặt tại 3 xã điểm. Tuỳ từng đặc điểm của địa phương có nơi giao nộp thư cho trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố, có nơi giao cho tư pháp xã, phường, thị trấn quản lý. Địa điểm đặt hòm thư tại nhà văn hoá thôn, xóm hoặc tại UBND xã, phường, thị trấn. Trong năm 2006, 2007 đã tiến hành 72 lần mở hòm thư tại mỗi điểm. Mỗi lần mở hòm thư đều có biên bản của chính quyền địa phương; các yêu cầu giải đáp phần lớn tập trung vào các lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân gia đình, dân sự (lập di chúc, phân chia tài sản…) đều được tổ công tác trả lời trực tiếp và giải thích cặn kẽ cho người dân có nhu cầu. 

Hoạt động tổ chức phát hành tài liệu, tờ gấp pháp luật cho nhân dân: Tại các hội nghị tập huấn hoặc các buổi sinh hoạt như họp thôn, xóm, tổ dân phố, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đoàn thể…, tổ công tác đã tổ chức phát tài liệu, đề cương, tờ gấp pháp luật, sách hỏi đáp cho các hộ gia đình, cá nhân. Tổng cộng đã phát hành 880 cuốn tài liệu về “hỏi đáp về bồi thường thiệt hại”, “Sổ tay pháp luật dành cho người dân ở cơ sở”, “phòng chống tệ nạn xã hội”, “pháp luật về khuyến khích phát triển kinh tế”, “hỏi đáp pháp luật về hộ tịch”, “pháp luật về đất đai”; 16.000 các loại tờ rơi pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau liên quan trực tiếp tới người dân ở cơ sở; cung cấp 75 bộ băng catset pháp luật cùng với hơn 1.000 cuốn Bản tin tư pháp do Sở tư pháp trực tiếp biên soạn phát hành hàng quý. 

Vận động nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật: Cán bộ nòng cốt đã đến từng hộ gia đình, gặp gỡ từng người khuyên nhủ, động viên, tổ chức ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội với gần 6000 người dân đã ký vào bản cam kết. Đồng thời tổ chức hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ gia đình và trong quần chúng nhân dân khi có phát sinh. 

Thông qua hoạt động của Bộ đội biên phòng: Sở Tư pháp và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch Liên ngành số 01/KHPH-STP-BĐBP ngày 20/7/2006 và kế hoạch số 10/KHPH – STP - BĐBP ngày 21/9/2007 về việc phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn biên giới Biển. Hai bên thống nhất tiến hành khảo sát lựa chọn địa bàn điểm; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên của lực lượng Bộ đội biên phòng; tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân ở địa bàn biên giới biển thuộc phạm vi quản lý của Bộ đội biên phòng… Cụ thể: Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các chính quyền và các đồn biên phòng địa phương trên địa bàn 3 huyện có biên giới biển (huyện Giao Thuỷ, huyện Nghĩa Hưng, huyện Hải Hậu) tổ chức được 10 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại các địa bàn trên cho gần 2.000 người với các nội dung pháp luật liên quan đến lĩnh vực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển; Sở Tư pháp đã xây dựng, bổ sung sách và tài liệu pháp luật cho 6 tủ sách pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh (bao gồm 6 đơn vị Biên phòng: Đồn 84, 88, 92, 96,100 và Hải đội 2); phối hợp tổ chức toạ đàm “phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới biển” với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể của tỉnh, 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ và 1 số xã, thị trấn ven biển.  

Có thể khẳng định rằng Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” là một đề án “hướng về cơ sở”, từng bước xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhận thức được hiệu quả của đề án, năm 2008, tỉnh Nam Định nhân rộng các mô hình này đến các 7/10 huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh với việc tiếp tục thực hiện Quyết định 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ 2005-2010 và Quyết định 37/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012.

Nguyễn Thị Lệ Huyền