Công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ở tỉnh Kon Tum

21/05/2008
Xác định tầm quan trọng của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, những năm qua UBND tỉnh Kon Tum thường xuyên quan tâm tăng cường chỉ đạo, từng bước đưa công tác soạn thảo, ban hành; kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL ngày càng đi vào nề nếp, với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Năm 1998, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 630/1998/QĐ-UB ngày 20/6/1998 ban hành quy định tạm thời về soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của UBND các cấp trên địa bàn tỉnh. Quy định này đề cập toàn diện các nội dung liên quan đến khái niệm, yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, ngôn ngữ, số ký hiệu văn bản QPPL; quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành; rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL.

          Sau khi có Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND và Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Chỉ thị số 01/2004/CT-UBND, ngày 05/02/2004 về thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL. Để bảo đảm kinh phí triển khai công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL theo đúng tinh thần Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31/2005/NQ-HĐND, ngày 09/12/2005; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 85/2005/QĐ-UBND, ngày 15/12/2005 quy định mức chi có tính chất đặc thù trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, Báo Kon Tum, Đài phát thanh - truyền hình Kon Tum tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản để cán bộ và nhân dân nắm vững nội dung, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Hàng năm Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã đều tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cho cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế, văn phòng của các ngành, các địa phương. Các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, rà soát văn bản do Bộ Tư pháp tổ chức, UBND tỉnh, các huyện, thị xã và các ngành đều quan tâm tạo điều kiện cử cán bộ tham dự đầy đủ.

          Đội ngũ làm công tác văn bản pháp luật cũng được quan tâm kiện toàn, củng cố, Sở Tư pháp đã bố trí đội ngũ chuyên trách từ 2 đến 3 cán bộ làm công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã được bố trí tổng biên chế bình quân từ 03 cán bộ; pháp chế các sở, ngành ngày càng được tăng cường theo tinh thần Nghị định số 122/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay đã có 12 sở, 02 doanh nghiệp nhà nước xây dựng được tổ chức pháp chế từ 1 đến 3 người; đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản với số lượng 32 người, nhiều người có trình độ cử nhân luật, có năng lực và kinh nghiệm thực hiện công tác xây dựng văn bản QPPL.

          Một số kết quả cụ thể: Hàng năm HĐND tỉnh đều có chương trình ban hành nghị quyết, UBND tỉnh có kế hoạch ban hành quyết định, chỉ thị. Đối với những vấn đề mang tính cấp bách hoặc đột xuất cần phải ban hành văn bản QPPL nhưng chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản hành năm thì theo đề xuất của các sở, ban, ngành hoặc chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh các ngành có liên quan đã tổ chức soạn thảo, trình ban hành văn bản đảm bảo trình tự, thủ tục, nội dung theo luật định. Chương trình, kế hoạch ban hành văn bản QPPL đều quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo, tiến độ thời gian thực hiện. Quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật, tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo, tiếp thu ý kiến, thẩm định tính pháp lý.... bảo đảm văn bản QPPL ban hành hợp hiến, hợp pháp phù hợp thực tiễn và khả thi.

Về thẩm định tính pháp lý, từ thời điểm triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 57 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 260 quyết định, 28 chỉ thị. Trong đó, 100% nghị quyết của HĐND, 90% quyết định, chỉ thị của UBND có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp (từ đầu năm 2007 đến nay, 100% dự thảo văn bản QPPL của UBND tỉnh có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp). Chất lượng thẩm định ngày càng cao, hầu hết ý kiến thẩm định đều được HĐND, UBND chấp thuận. Công báo của tỉnh phát hành cuối năm 2006, trong đó ngoài đăng tải văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, còn đăng tải cả văn bản QPPL của HĐND, UBND huyện.

          Công tác tự kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh, được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành tham mưu giúp HĐND, UBND thường thường xuyên tự kiểm tra. Thông qua tự kiểm tra, UBND tỉnh đã bãi bỏ 20 văn bản, sửa đổi, bổ sung 70 văn bản. Hàng năm UBND tỉnh giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra đến từng huyện, thị xã tổ chức kiểm tra văn bản QPPL do cấp huyện ban hành. Sau mỗi đợt kiểm tra đều có thông báo kết quả và HĐND, UBND cấp huyện đã nghiêm túc tự xử lý bằng việc bãi bỏ những quy định trái pháp luật, sửa đổi bổ sung những quy định không phù hợp pháp luật, rút kinh nghiệm sai sót về thể thức. Công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản được tiến hành thường xuyên, các đợt rà soát văn bản theo yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Tư pháp đều được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đầy đủ, nghiêm túc như về rà soát văn bản QPPL liên quan đến WTO đã tập hợp hàng trăm văn bản, rà soát 38 văn bản có liên quan, đề nghị sửa đổi bổ sung 04 văn bản, bãi bỏ 9 văn bản, kiến nghị ban hành mới 01 văn bản; rà soát các văn bản liên quan đến pháp luật dân sự đã tiến hành rà soát 112 văn bản, đề nghị sửa đổi bổ sung 10 văn bản, bãi bỏ 16 văn bản; rà soát các văn bản về hộ tịch theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP đã tập hợp rà soát 508 văn bản, đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 văn bản, chấm dứt hiệu lực 94 văn bản do hết hiệu lực...

          Công tác văn bản QPPL ở cấp huyện cũng được quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm 2004 đến nay đầu năm 2008, HĐND các huyện, thị xã đã ban hành 350 nghị quyết, UBND huyện, thị xã  ban hành trên 500 quyết định, chỉ thị cơ bản đảm bảo thủ tục trình tự, nội dung theo quy định. Phần lớn các dự thảo văn bản QPPL của UBND cấp huyện đều được cơ quan soạn thảo gửi Phòng Tư pháp thẩm định tính pháp lý. Riêng nghị quyết của HĐND cấp huyện không bắt buộc phải có ý kiến thẩm định của Phòng Tư pháp, tuy nhiên, đối với những nghị quyết đề ra những chủ trương, chính sách quan trọng, đa số HĐND cấp huyện đã yêu cầu Phòng Tư pháp có ý kiến thẩm định. Chất lượng soạn thảo, thẩm định văn bản QPPL do HĐND, UBND huyện không ngừng được nâng cao.

 Phạm Văn Chung