Trợ giúp pháp lý ở miền núi Tây Bắc: Khó trăm bề, nhọc trăm kiểu

25/04/2008
Trong khi chờ đợi đề án xây dựng mạng lưới các chi nhánh Trợ giúp pháp lý (TGPL) trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến, đến nay, các Trung tâm TGPL, nhất là ở những tỉnh miền núi Tây Bắc, vẫn đang phải tự “gồng mình” với khó khăn để đưa dân ra khỏi tình trạng xa lạ với pháp luật.

Tờ gấp, tờ rơi: chưa hoàn thiện

Một trong những tài liệu tuyên truyền dành cho hoạt động TGPL, nhất là TGPL lưu động, là tờ gấp, tờ rơi có các nội dung về các qui định của pháp luật nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản nhất về quyền và nghĩa vụ của mình theo qui định của pháp luật. Những tờ gấp, tờ rơi này được thiết kế tương đối đẹp mắt, dễ hiểu và ngắn gọn, nội dung phong phú, thực sự trở thành một kênh truyền tải thông tin pháp luật hữu hiệu, không chỉ ở miền xuôi, nơi trình độ dân trí cao mà còn phát huy hiệu quả khá tốt ở những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Qua thực tiễn đi TGPL cho đồng bào dân tộc vùng cao, ông Hoàng Tiến Ngọ - Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên – cho biết, những tờ gấp, tờ rơi được dịch ra tiếng dân tộc ít người (Mông, Thái…) rất được người dân chú trọng. Thậm chí, người già, trưởng bản còn giữ lại những tờ gấp, tờ mà đoàn TGPL phát như “cẩm nang pháp luật”, là bằng chứng “pháp lý” được đưa ra cùng khẳng định: “cán bộ (thành viên đoàn TGPL lưu động – PV) bảo thế” khi cần giải quyết những bất đồng với chính quyền cơ sở.

Nhưng điều đáng nói là không phải lúc nào tờ gấp, tờ rơi cũng phát huy được hiệu quả. Theo ông Tòng Văn Oai – Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Sơn La, những tờ gấp, tờ rơi hiện nay có nội dung còn chưa phù hợp với đặc trưng của địa phương miền núi vì nội dung được biên soạn đại trà, không có sự phân biệt giữa các đối tượng tiếp nhận. Có một số nội dung chỉ phù hợp với nhận thức của người dân thành phố, miền xuôi chứ không phù hợp với cách hiểu và trình độ của người dân miền núi, nhất là đồng bào thiểu số. Vì thế, nhiều người đọc xong rồi… “để gác bếp thôi” chứ không thể hiểu và nhớ “tờ giấy nói gì”. Hơn nữa, tỷ lệ người dân tái mù chữ ở các tỉnh miền núi cũng cao nên tờ gấp, tờ rơi toàn chữ, không có hình ảnh thì họ không xem.

Chương trình TGPL: còn thiếu nhiều nội dung

Chương trình cứng của một buổi TGPL sẽ được tiến hành theo trình tự: giới thiệu nội dung Luật TGPL để người dân biết mình có quyền và nghĩa vụ gì trong hoạt động TGPL; giải đáp những yêu cầu TGPL của người dân. Nhưng thực tế, các đoàn TGPL bao giờ cũng phải kết hợp tuyên truyền, giới thiệu một số nội dung cơ bản của pháp luật. Ông Oai cho biết, nếu chỉ thực hiện theo qui định thì không TGPL ở miền núi được vì “người dân không hiểu gì mà yêu cầu giải đáp”.

Trình độ dân trí và hiểu biết về pháp luật, về TGPL của các tỉnh miền núi còn thấp, nhất là đối với đồng bào thiểu số. Thậm chí đã có trường hợp chính cán bộ xã ở Sơn La mang tờ gấp, tờ rơi lên trung tâm TGPL kiện vì “nó bảo dân làm loạn gì thế?”. Mặc dù ở Điện Biên, sóng phát thanh, truyền hình đã được phủ đến hơn 90% số xã nhưng vấn đề là người dân không có phương tiện để thu sóng, mà phát trên đài phát thanh của xã thì không phải ai cũng biết người dân ở rải rác, loa phát thanh xã cũng không thể đến từng nhà. Vì thế, TGPL phải kiêm luôn hoạt động tuyên tuyền pháp luật cho người dân của địa phương. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một chương trình cụ thể để các đoàn TGPL có thể giới thiệu các qui định pháp luật khi đi TGPL lưu động. Từng đoàn phải tự xây dựng nội dung tuyên truyền dựa trên kết quả khảo sát cơ sở, dân có nhiều thắc mắc trong lĩnh vực nào thì giới thiệu qui định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, hình thức giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được lồng ghép trong chương trình của các buổi TGPL lưu động lại thường dài, không sinh động và thiếu tính tương tác nên khó hấp dẫn đối với người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Lực lượng và nguồn lực: mỏng

Vấn đề vướng mắc chung của các Trung tâm TGPL ở các tỉnh miền núi là lực lượng cán bộ rất ít. Như Trung tâm TGPL tỉnh Sơn La có 5 biên chế (chỉ có 3 người làm công tác nghiệp vụ), cùng khoảng 10 cộng tác viên (CTV), chủ yếu là cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, ban, ngành của địa phương. Trung tâm không có CTV là luật sư cho đến cuối năm 2007 mới có 2 luật sư. Lực lượng mỏng thì phải kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều lĩnh vực nên không thể có tính chuyên sâu.

Một vấn đề nữa là khi đi TGPL ở miền núi phải có người thông thạo tiếng dân tộc, nếu không có người phiên dịch thì coi như hoạt động TGPL trở thành vô ích vì “người nghe không hiểu người nói”. Thông thường các đoàn TGPL ở Điện Biên phải sử dụng cán bộ chủ chốt của xã hoặc thanh niên tại cơ sở làm người phiên dịch. Nhưng theo ông Ngọ, việc này cũng rất hạn chế vì người biết tiếng thì không hiểu luật, người hiểu luật lại không biết tiếng nên khó có thể truyền tải hết nội dung từ tiếng phổ thông sang tiếng của các dân tộc thiểu số. Để tăng cường hiệu quả tuyên truyền, có một số Trung tâm TGPL như Trung tâm TGPL tỉnh Lai Châu đã ghi âm các nội dung truyền thông TGPL vào băng cát-sét bằng hai thứ tiếng chưa có chữ viết là tiếng Dao, Hà Nhì, hay Sơn La ghi âm bằng tiếng Thái, Mông. Song việc này cũng chưa đáp ứng được hết yêu cầu khi có rất nhiều dân tộc thiểu số sống xem kẽ với nhau như ở Sơn La có 12 dân tộc, Điện Biên có 21 dân tộc, Lai Châu có 20 dân tộc.

Đường sá xa xôi, cần nhiều thời gian trong khi cơ sở vật chất cho mỗi chuyến TGPL lưu động ở địa hình miền núi lại thiếu thốn, phương án để mở rộng mạng lưới TGPL là thành lập các Chi nhánh và các Câu lạc bộ TGPL tại cơ sở. Có 161 xã tại Sơn La cần thành lập CLB TGPL nhưng mới thành lập được 45 CLB do kinh phí không đủ. Dù Dự án hỗ trợ hoạt động TGPL đã hỗ trợ 500.000đ/CLB và chương trình xóa đói giảm nghèo hỗ trợ 160.000đ/tháng nhưng cũng không thể thúc đẩy hoạt động của các CLB đạt mục tiêu thành lập.

Một điều đáng tiếc trong công tác TGPL lưu động không chỉ ở các tỉnh miền núi là việc không xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên là chính những người dân trên địa bàn. Thực tế ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, mỗi đợt TGPL cũng chỉ phục vụ được cho khoảng 20, 30 lượt người và khi ra về họ cũng không truyền đạt lại cho những người ở nhà nên hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật và TGPL lưu động chưa thực sự được phát huy đến tận từng người dân.

Điểm sơ qua thấy hoạt động TGPL ở miền núi còn quá nhiều bồn bề, vướng mắc phải giải quyết để có thể đạt được hiệu quả và mục tiêu đưa dân ra khỏi tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến những thiệt thòi cho người dân ở các vùng đã có quá nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội như các tỉnh miền núi Tây Bắc./.

Huy Long