Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới ở tỉnh Kon Tum

25/04/2008
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBPL), nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân là nhiệm vụ rất khó khăn, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, nhiều ngành. Đặc biệt, việc TTPBPL cho cán bộ, nhân dân ở vùng biên giới lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền vừa phải nhiệt tình, tận tụy với công việc, vừa phải luôn có sự sáng tạo, đổi mới phương pháp và cách thức tuyên truyền phù hợp làm sao để pháp luật thực sự được đi vào thực tế cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Tỉnh Kon Tum nằm ở phía bắc Tây Nguyên, ngã ba Đông Dương - điểm tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Căm Pu Chia, nơi có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Kon Tum có 3 huyện với 10 xã có đường biên giới chung với hai nước và Căm Pu Chia với đường biên dài trên 246 km. Toàn tỉnh có khoảng 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới - là những khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của tỉnh nhà, thì bộ phận những người dân cư trú ở vùng biên giới cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó, thậm chí so sánh về tổng thể thì họ còn khó khăn hơn nhiều lần. Chính vì vậy mà việc TTPBPL, đưa pháp luật đến với người dân vùng biên giới lại càng khó khăn gấp bội.

          Những năm vừa qua, tỉnh Kon Tum rất chú trọng đẩy mạnh công tác TTPBPL cho người dân ở khu vực biên giới. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến cán bộ, nhân dân vùng biên giới như Luật Biên giới quốc gia; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản pháp luật, hiệp định về cắm mốc và phân định đường biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.

          Ngoài việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Trung ương như Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thông báo số 74/TB-TW ngày 11/5/2007 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW... Ở tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07/CT/TU ngày 01/8/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp, Kế hoạch số 36/KH-TU ngày 13/02/2004 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW. Sau khi có Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năn 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 1213/2004/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2004 về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 đến 2007, trong đó chú trọng đến việc TTPBPL cho nhân dân các xã biên giới.

            Không chỉ có vậy, với chủ trương hướng mạnh mọi hoạt động của cơ quan nhà nước về cơ sở, ngay từ năm 1997, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết 01 (nay là Nghị quyết 04) về việc cử các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện đỡ đầu các các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó việc giúp đỡ các xã biên giới được ưu tiên hàng đầu. Các đơn vị đỡ đầu đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cho người dân ở địa bàn của mình nhận đỡ đầu; hỗ trợ kinh phí để làm phong phú thêm các loại tài liệu pháp luật cho người dân, nhất là trong việc xây dựng tủ sách pháp luật ở xã. Sở Tư pháp thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác TTPBPL cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ tư pháp hộ tịch chuyên trách cấp xã để làm nòng cốt cho công tác TTPBPL ở cơ sở, trong đó chú trọng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, hàng năm ở những huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho cán bộ mặt trận, đoàn thể, già làng, trưởng thôn để giúp họ trong việc tham gia TTPBPL ở cơ sở.

Với phương châm lựa chọn TTPBPL những nội dung pháp luật mà người dân cần, liên quan trực tiếp đến người dân, kích thích tính tự giác học tập, tự giác tìm hiểu pháp luật, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người dân vùng biên giới. Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp cùng Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch), Bưu điện tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện việc luân chuyển sách, báo pháp luật giữa tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn với điểm Bưu điện - văn hóa xã, ngăn sách pháp luật của tủ sách các Đồn Biên phòng. Đến nay, 100% các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng được tủ sách pháp luật, với 4 bộ phận sách theo quy định và số lượng đầu sách tương đối phong phú, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, cung cấp, bổ sung pháp luật cho cán bộ, nhân dân địa phương.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức cho các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh kết nghĩa với các Đồn Biên phòng đóng tại các xã biên giới, qua hơn 3 năm triển khai đã mang lại kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Các đơn vị kết nghĩa đã phối hợp cùng các Đồn Biên phòng tổ chức TTPBPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Các đơn vị kết nghĩa đã tổ chức nhiều đợt giao lưu văn nghệ, lồng ghép tuyên truyền pháp luật cũng như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu về truyền thống quân đội nhân dân, bộ đội biên phòng... Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động xuống các xã biên giới. Đến nay, hầu hết các thôn, làng ở các xã biên giới đã được trợ giúp pháp lý ít nhất từ 01 lần trở lên đã góp phần nâng cao trình độ pháp luật và giúp nhân dân thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ mình.

Việc phổ biến pháp luật trên Báo, Đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ đối tượng là người dân tộc thiểu số, người dân cư trú vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được chú trọng tăng cường. Các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật được đăng tải phát sóng thường xuyên trên các báo, tạp chí của địa phương cả bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số. Ở các địa phương các đài phát thanh truyền hình, truyền thanh cơ sở chú trọng tăng thời lượng phát sóng phát thanh TTPBPL cho đồng bào vùng biên giới.

Có thể khẳng định rằng công tác TTPBPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Việc TTPBPL cho người dân đã được lồng ghép với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, lồng ghép vào các lễ hội văn hóa; phát huy vai trò của tủ sách pháp luật; hương ước, quy ước; trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở. Nội dung tuyên truyền có chọn lọc, ngoài việc tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến biên giới quốc gia, còn chú trọng tuyên truyền các văn bản có liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đời sống nhân dân. Nhận thức về trách nhiệm TTPBPL của cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã có sự thay đổi, cơ bản khắc phục được tình trạng TTPBPL mang tính hình thức, phong trào. TTPBPL ở khu vực biên giới đã trực tiếp củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, nhân dân với Đảng, chính quyền; xây dựng khối đoàn kết cộng đồng; ổn định tình hình chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng biên. Ngoài ra, còn góp phần cùng với các nước bạn Lào và Căm Pu Chia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, chính trị, văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

* Qua thực tiễn triển khai công tác TTPBPL cho nhân dân khụ vực biên giới, chúng tôi nhận thấy cần áp dụng một số giải pháp sau đây nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này đối với người dân ở khu vực biên giới trong thời gian tới:

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác TTPBPL nói chung và cho nhân dân vùng biên giới nói riêng. Trong đó, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa với các xã biên giới và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác TTPBPL. Có sự phối hợp chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các ngành, đoàn thể; phát huy sự mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở trong công tác TTPBPL.

- Phát huy vai trò xung kích, chủ công của lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác TTPBPL cho người dân ở khu vực biên giới. Bởi đây là lực lượng thường trực, tại chổ, gần dân lại có kiến thức pháp luật tương đối nên rất thuận tiện trong việc triển khai công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan đến khu vực biên giới.

- Tăng cường đầu tư về nguồn lực, kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho chính quyền cơ sở nhằm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở để s dụng đội ngũ này làm công tác TTPBPL cho nhân dân vùng biên giới.

- Đa dạng hóa các hình thức TTPBPL, trong đó chú trọng lồng ghép tuyên truyền pháp luật với sinh hoạt lễ hội; bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; củng cố hoạt động hòa giải cơ sở; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở thôn, làng; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động đến tận cơ sở./.

Phạm Văn Chung