Nam Định: Vận dụng có hiệu quả hình thức biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật

29/04/2008
Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật vừa là một hình thức, đồng thời cũng là phương tiện góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được thể hiện bằng ngôn ngữ do đó bảo đảm rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, nhờ đó pháp luật dễ dàng đến với người dân, góp phần làm cho pháp luật trở nên gần gũi : dễ hiểu, dễ thấy, dễ thực hiện.

Vì vậy, có thể nói tài liệu phổ biến pháp luật đóng một vai trò rất lớn trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, là cẩm nang, là phư­ơng tiện, công cụ hoạt động của những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện để họ đạt đ­ược mục tiêu đề ra trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua việc biên soạn và phát hành các loại tài liệu tuyên truyền pháp luật được các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Nam Định quan tâm đầu tư theo từng giai đoạn và nhiệm vụ cụ thể phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Sở Tư pháp tổ chức khai thác, biên soạn và phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quí (4000bản/số); 6000 tờ gấp tuyên truyền an toàn giao thông, trên 3000 tờ gấp tuyên truyền về phòng chống ma tuý, 16.000 tờ rơi pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau liên quan trực tiếp tới người dân ở cơ sở, 375 băng cassete về Bộ luật hình sự, bảo hiểm xã hội, đất đai, 4000 cuốn tài liệu hỏi đáp về pháp luật đăng ký khai sinh, 500 cuốn tài liệu tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, 600 bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật phát hành đến cơ sở, 120 cuốn “Sổ tay pháp luật dành cho người dân ở cơ sở”, 120 cuốn “hỏi đáp về bồi thường thiệt hại”, 640 cuốn tài liệu về “phòng chống tệ nạn xã hội”, “pháp luật về khuyến khích phát triển kinh tế”, “hỏi đáp pháp luật về hộ tịch”, “pháp luật về đất đai” có nội dung pháp luật rất cụ thể, ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ hiểu phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hàng nghìn lượt người. Đồng thời, đã cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 470 thôn, xóm, tổ dân phố của 30 xã chỉ đạo điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007; bổ sung sách và tài liệu pháp luật cho 6 tủ sách pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh (bao gồm 6 đơn vị Biên phòng: Đồn 84, 88, 92, 96,100 và Hải đội 2).

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã xây dựng ở cơ sở các cụm Panô, khẩu hiệu, bảng ảnh, bảng tin tuyên truyền có tính trực quan sâu sắc, tạo tiếng nói xã hội rộng rãi, vừa tuyên truyền, biểu dương các nhân tố tích cực, vừa phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.

Sở Văn hoá – Thông tin thông qua việc phát hành tạp chí của ngành dành nhiều trang bài để chuyển tải nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật như chuyên mục “Xây dựng gia đình văn hoá để chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”; phát hành cuốn “Văn bản pháp quy về kinh doanh và dịch vụ văn hoá” tới cán bộ làm công tác văn hoá ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; giao cho các Phòng Văn hoá các huyện, thành phố xuất bản và phát hành hàng vạn tài liệu sách báo, tranh ảnh, áp phích, tờ rơi phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận tổ quốc các cấp triển khai phát 120.000 tờ rơi của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia về tuyên truyền, vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy tới tận các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chọn huyện Giao Thuỷ để tổ chức Hội nghị điểm về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia trong chương trình phối hợp vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; cấp phát 12.000 tờ rơi về chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV.

Sở Nội vụ biên soạn các loại tài liệu về các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung chuyên môn của ngành trong các đợt tập huấn về chế độ tiền lương, cải cách hành chính… cho cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho các thí sinh trong các kỳ thi tuyển công chức của tỉnh.

Hàng tháng, quý ban tuyên giáo tỉnh uỷ đã biên soạn và phát hành tờ “Thông báo nội bộ” trích đưa một số nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật mới ban hành để tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên ở các chi bộ Đảng cơ sở.

Các ngành thành viên khác của Hội đồng chủ động biên soạn, phát hành tài liệu để cung cấp tới các đối tượng có liên quan như “Thông tin phụ nữ”, “Thông báo nội bộ” hoặc những tài liệu mang tính chất nghiên cứu được xuất bản thành sách như “Một số vấn đề về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm HIV/AIDS” trở thành những cuốn cẩm nang không thể thiếu đối với cán bộ, hội viên của các ngành, của những báo cáo viên khi tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở các ngành, các cấp hoặc những điểm tuyên truyền lưu động. Một số ngành đã làm tốt như: Hội phụ nữ tỉnh đã xuất bản “Thông tin phụ nữ” (một năm 2 số) trong đó có mục “Tìm hiểu pháp luật” cập nhật kịp thời các Bộ Luật, Luật, hỏi đáp pháp luật để làm cẩm nang tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em phát hành cuốn “Dân số và phát triển” trong đó có đăng tải các văn bản pháp luật liên quan đến dân số, gia đình và bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em.

Việc biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật đã, đang được thực hiện tại tỉnh Định và dần đi vào nền nếp. Bắt nguồn từ tính “dễ hiểu, dễ thấy, dễ thực hiện”, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật có thể nói là cẩm nang của những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần không nhỏ vào thành công của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.

Nguyễn Thị Lệ Huyền