Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế góp ý vào Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

26/03/2008
Thực hiện Công văn số 05/CV-ĐĐBQH12 ngày 11/3/2008 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị góp ý vào Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi nghiên cứu, Sở Tư pháp hoàn toàn nhất trí về bố cục và thứ tự sắp xếp các chương, mục, điều, khoản, điểm như trong Dự án Luật. Về nội dung của Dự án Luật Sở Tư pháp có một số ý kiến góp ý như sau:

1. Đối với tên gọi của Dự án Luật, đề nghị bỏ từ “SỬA ĐỔI” vì đây là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, thay thế cho Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. 

2. Đề nghị bổ sung một điều mới vào sau Điều 3 của Dự án Luật với nội dung là quy định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. 

3. Tại tiêu đề và nội dung của khoản 1 Điều 11 của Dự án Luật, đề nghị thêm từ “bổ sung” và viết lại như sau:

          “1. Quốc hội làm Hiến pháp và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

          Việc soạn thảo, thông qua, công bố hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định.”.         

4. Tại đoạn thứ nhất của khoản 2 Điều 11 Dự án Luật, đề nghị bổ sung cụm từ được in đậm như sau: “Luật quy định các vấn đề cơ bản, quan trong và mang tính ổn định thuộc các lĩnh vực ...”.         

5. Tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Dự án Luật có quy định “..., các quyết định của Chính phủ”, nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Dự án Luật thì Chính phủ chỉ được quyền ban hành Nghị định. Đề nghị sửa lại cho thống nhất.         

6. Tại mục 1 Chương III của Dự án Luật, thì trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có cả nghị quyết, do đó đề nghị bổ sung và viết lại là: “chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết”.         

7. Tại Điều 34 của Dự án Luật có quy định hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Chính phủ phải có bản giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định (tại khoản 4 Điều 34), mà việc này thuộc nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo. Do đó, đề nghị bổ sung nhiệm vụ này vào điểm d khoản 1 Điều 29 và viết lại như sau: “Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định và giải trình việc tiếp thu ý kiến thẩm định hoặc ...”. Và tương tự, đề nghị bổ sung nội dung này vào điểm c khoản 1 Điều 59 của Dự án luật.         

8. Đề nghị thay ký tự “f” tại điểm f khoản 1 Điều 29 bằng ký tự “g” vì trong tiếng Việt không có ký tự này.         

9. Tại điểm a khoản 3 Điều 30, đề nghị quy định tờ trình trong hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết gửi Chính phủ tham gia ý kiến là dự thảo tờ trình chứ không phải là tờ trình chính thức. Đề nghị tương tự với điểm a khoản 2 Điều 32.         

10. Tại một số nội dung của các điều khoản ở mục 2, 3 Chương III đã quy định không thống nhất cụm từ “dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết”, ví dụ: Tại điểm b khoản 1 Điều 30 quy định “dự án luật, nghị quyết”; tại điểm b khoản 3 Điều 30 quy định “dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết”; tại tiêu đề của Điều 49 quy định “dự thảo luật, nghị quyết” .... Đề nghị sửa lại cho thống nhất.         

11. Tại khoản 2 Điều 30, đề nghị bỏ từ “dự thảo” sau cụm từ “cơ quan trình dự án, dự thảo” vì đã ghi chú ở khoản 1 của Điều này.         

12. Tại điểm c khoản 3 Điều 54, đề nghị bổ sung cụm từ in đậm và viết lại như sau: “Chủ tịch Quốc hội thay mặt Uỷ ban thường vụ Quốc hội ký pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.         

13. Tại điểm d khoản 1 Điều 61, đề nghị thay cụm từ “dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết” bằng “dự thảo nghị định”, vì nội dung này đang đề cập đến bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức về dự thảo nghị định chứ không phải là dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.         

14. Tại Điều 64, đề nghị bổ sung một khoản vào sau khoản 4 có nội dung là: “Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành nghị định”.         

15. Tại Điều 79 chỉ quy định một trường hợp văn bản QPPL ngưng hiệu lực, đó là khi bị đình chỉ thi hành, do đó đề nghị bỏ từ “Những” ở tiêu đề của Điều này.         

16. Tại nội dung của Điều 83, đề nghị bổ sung thêm việc giải thích nghị quyết do Quốc hội ban hành và nghị quyết do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành.  

Hữu Dũng