Kết quả 03 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng

26/03/2008
Trong 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tiến hành nhiều nội dung công tác quan trọng và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai:

Sở Tư pháp đã nghiên cứu đề xuất dự kiến các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong giai đoạn 05 năm (2006 - 2010) của ngành Tư pháp thành phố trình Ban Nội chính Thành uỷ tổng hợp xây dựng Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 20/6/2006 của Ban Thường vụ Thành uỷ. Đồng thời đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW (kèm theo Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2006).

Bên cạnh đó, Đảng uỷ và lãnh đạo Sở đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị cho toàn thể cán bộ, công chức ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng, qua đó để cán bộ, công chức của toàn ngành nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW, đồng thời chỉ đạo các đơn vị quận, huyện xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.

2. Tổ chức kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ:

Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp thành phố Đà Nẵng. Trong đó, đã tiến hành luân chuyển Chấp hành viên Thi hành án dân sự thành phố đến Thi hành án Dân sự quận, huyện; tổ chức đợt thi tuyển công chức cơ quan Thi hành án theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, nghiêm túc (Trong năm 2006, đã tuyển chọn được 13 sinh viên vào làm việc tại Thi hành án dân sự thành phố; quận, huyện). Sở Tư pháp đang trong giai đoạn hoàn thiện Đề án luân chuyển cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cũng như đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhìn chung, việc kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành đã được cấp uỷ Đảng và lãnh đạo Sở quan tâm, chú trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ dần được nâng lên.

3. Công tác Thi hành án dân sự:

Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp, sự phối hợp, tạo điều kiện của hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác đôn đốc, kiểm tra, thanh tra của ngành, kết hợp với sự kiểm tra của cấp uỷ Đảng, công tác giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố và hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát đối với công tác thi hành án đã tác động tích cực đến hiệu quả công tác thi hành án và ý thức trách nhiệm công vụ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ Thi hành án, qua đó kịp thời chấn chỉnh các sai sót, vi phạm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong cơ quan Thi hành án dân sự các cấp. Trong 03 năm qua, đã chuyển giao cho UBND xã, phường 4.507 vụ, việc, với tổng số tiền phải thi hành là 859.305.000 đồng. Đến tháng 02 năm 2008, UBND các xã, phường đã thi hành xong 1.704 vụ, việc, đạt tỷ lệ 48,6% và đã thi hành được với tổng số tiền là 238.225.000 đồng, đạt tỷ lệ về tiền là 27,7%. Công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực Thi hành án được quan tâm chú trọng, trong 03 năm qua, đã giải quyết 327 đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại đã giúp cho đương sự hiểu rõ các quy định pháp luật về thi hành án, qua đó giúp ổn định tình hình trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

4. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:

Hằng năm, Sở Tư pháp đã có những biện pháp tích cực chủ động tham mưu, đề xuất UBND thành phố, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ban hành Kế hoạch, Chương trình công tác chỉ đạo các thành viên Hội đồng và UBND các quận, huyện thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Điểm nổi bật của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn này là đã dần dần đi vào thực chất, thiết thực, triển khai trên diện rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân, đã giảm cơ bản tính hình thức trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Năm 2007, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên phạm vi toàn thành phố với 48.564 bài dự thi, trong đó có rất nhiều bài đầu tư công phu, đạt chất lượng cao. Ngoài ra, Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi sân khấu hoá “Tìm hiểu những quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch thành phố Đà Nẵng năm 2007” cho đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký hộ tịch ở các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố thu hút toàn thể cán bộ, công chức ngành tham gia và đông đảo nhân dân tham dự, cổ vũ. Công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan thành viên Hội đồng trong giai đoạn này được thực hiện chủ động và chặt chẽ hơn, nổi bật là sự phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn, Báo Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo... Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và trợ giúp pháp lý cho 3.165 trường hợp. Tiến hành 312 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống pháp luật và tư pháp.

* Có thể nói, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW trong ngành Tư pháp thành phố 03 năm qua đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức, đạt được yêu cầu, nội dung của Nghị quyết đề ra đối với hoạt động của ngành, như tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của ngành được kiện toàn củng cố, đã có chuyển biến về tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức theo tiêu chuẩn hoá cán bộ.

Qua đó, Sở Tư pháp cũng đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW như sau:  

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, trước mắt là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp như Chấp hành viên, Công chứng viên…, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ cập tin học, ngoại ngữ và các tiến bộ khoa học liên quan cho đội ngũ cán bộ của ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay. Tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên, chấp hành viên có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.         

Thứ hai: Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành còn quá nghèo nàn, lạc hậu, chính sách, chế độ, tiền lương, chi phí nghiệp vụ chưa phù hợp với đặc thù của công tác tư pháp. Do đó, cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ thích đáng về cơ sở vật chất, trụ sở và các phương tiện kỹ thuật hiện đại cho ngành để đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Thứ ba: Cần tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự; chú trọng việc giải quyết những vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều ngành, cơ quan, đơn vị. Triển khai việc giải quyết chỗ ở (chung cư, nhà liền kề) cho các đối tượng phải thi hành án giao, trả nhà mà không có chỗ ở nào khác để giải quyết cơ bản tình trạng tồn đọng, kéo dài đối với các vụ việc thi hành án về buộc giao trả, nhà.  

Thứ tư: Cần chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW đến các cơ quan, ban, ngành, các cán bộ, công chức làm công tác tư pháp cũng như đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố ngày càng trở nên cần thiết và vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của xã hội và nhân dân đối với công tác tư pháp.

Đặc biệt, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố đối với các ngành, cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, cũng như bố trí kinh phí cho công tác triển khai thực hiện cải cách tư pháp ở các ngành. 

Tạ Tự Bình