Hoà Bình: Sơ kết giai đoạn I thực hiện Chương trình 212 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình 212 năm 2008

25/03/2008
Sáng ngày 24 tháng 03 năm 2008, tại trụ sở Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (Chương trình 212) tỉnh Hoà Bình đã tổ chức Hội nghị sơ kết làm điểm Chương trình 212 giai đoạn I năm 2007 và triển khai nhân rộng Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh năm 2008.

Đồng chí Quách Thế Tản, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh chỉ đạo và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị về phía Bộ Tư pháp - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 212 của Chính phủ có đồng chí Phạm Thị Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, về phía địa phương có đồng chí Hoàng Văn Đức, Giám đốc Sở Tư pháp, các đồng chí đại diện Ban Điều hành 04 Đề án trong Chương trình 212 và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Quách Thế Tản, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh đã phát biểu khai mạc Hội nghị và nhấn mạnh vào 04 điểm cần tập trung thảo luận, đánh giá tại Hội nghị: Sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì 04 đề án (Chương trình 212) trong quá trình thực hiện các hoạt động của các đề án; sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong Chương trình 212; vấn đề khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ở xã, phường, thị trấn để xác định nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp; nội dung Dự thảo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình 212 tỉnh Hoà Bình giai đoạn I năm 2007 và Kế hoạch thực hiện Chương trình 212 năm 2008.

Hội nghị được nghe đồng chí Hoàng Văn Đức, Giám đốc Sở Tư pháp thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình 212 giai đoạn I năm 2007 và Kế hoạch thực hiện Chương trình 212 năm 2008. Báo cáo đã nêu bật những thành tích đạt được, những hạn chế, tồn tại và chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo thực hiện Chương trình. Kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành giai đoạn I của Chương trình 212 đó là sự chủ động, kịp thời trong thành lập, tổ chức, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh, Ban điều hành 04 Đề án trong Chương trình (do Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thanh tra tỉnh và Sở Tư pháp là 04 cơ quan chủ trì 04 đề án). Trong giai đoạn I, để thực hiện tốt công tác chỉ đạo điểm, Ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh đã chọn 11 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tập trung hướng dẫn, triển khai các hoạt động của Chương trình, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trong những năm tiếp theo. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở xã, phường, thị trấn được lựa chọn thông qua việc thực hiện 04 đề án cụ thể: Đề án 1 - Đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thiết chế văn hoá – thông tin cơ sở; Đề án 2 - Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; Đề án 3 - Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục phá luật về khiếu nại, tố cáo; Đề án 4 - Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Trong Kế hoạch năm 2008, tỉnh sẽ thực hiện triển khai, nhân rộng kết quả, kinh nghiệm các mô hình làm điểm giai đoạn I đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thông qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn; ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị cũng được nghe tham luận của các đồng chí đại diện cho Ban điều hành các đề án; các xã, phường, thị trấn làm điểm trong Chương trình 212. Các tham luận đã nêu lên những kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất để Ban Chỉ đạo Chương trình 212 của Chính phủ và tỉnh có những chỉ đạo, định hướng để khắc phục.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Hoà, đại diện Bộ Tư pháp - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 212 của Chính phủ đánh giá cao những kết quả thực hiện giai đoạn I Chương trình 212 trên địa bàn tỉnh trong việc bám sát địa bàn và đối tượng tuyên truyền cũng như tiến độ thực hiện Chương trình và các đề án; đặc biệt là sự sáng tạo trong sử dụng có hiệu quả hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên toà xét xử lưu động. Đồng chí đề nghị trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình, tỉnh cần chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh cũng như giữa các cơ quan chủ trì 04 đề án; kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và thực hiện thường xuyên, kịp thời chế độ kiểm tra, thi đua, khen thưởng. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đồng chí sẽ tiếp thu và báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 212 của Chính phủ.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Quách Thế Tản, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 212 tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện chương trình, công tác tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên, công tác kiểm tra,... để việc thực hiện Chương trình 212 đạt được hiệu quả cao hơn trong năm 2008 và những năm tiếp theo của Chương trình./.

NVD