Sở Tư pháp Ninh Bình: Tổng kết công tác tư pháp năm 2007

13/03/2008
Vừa qua, Sở Tư pháp Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2007, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2008. Tới dự và chỉ đạo có đồng chí Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Tiến Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Tại Hội nghị Lãnh đạo Sở Tư pháp đã đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của ngành một năm qua đối với các lĩnh vực công tác. Có thể nói: dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức công tác Tư pháp Ninh Bình năm 2007 đã có những chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thành cơ bản chương trình đã đề ra. Bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ một số tồn tại: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả chưa cao; Việc tổ chức rà soát, thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản ở một số cơ sở chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, kết quả còn thấp; công tác cải chính hộ tịch, chứng thực bản sao từ bản chính, cấp bản sao từ sổ gốc ở cơ sở chưa đi vào nề nếp, còn nhiều vướng mắc; việc phân loại án dân sự chưa chính xác, việc đôn đốc thi hành án chưa triệt để…

  Từ những đánh giá trên, về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2008 của tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Thành chỉ đạo cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân nhất là tới vùng sâu, vùng xa những nơi kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án 212 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và những văn bản pháp luật mới được ban hành.

Hai là, đẩy mạnh công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhất là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp.

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhất là các giải pháp mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác Thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội; chú ý phân loại chính xác án có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành, thi hành triệt để các vụ có điều kiện thi hành đồng thời tập trung giải quyết các vụ tồn đọng kéo dài, hạn chế phát sinh các vụ việc tồn đọng mới.

Bốn là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác Hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong các lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, công chứng, chứng thực…bảo đảm nhanh gọn, chính xác, minh bạch, thuận tiện cho nhân dân và đúng quy định của pháp luật.

Năm là, thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp từ tỉnh tới cơ sở, tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; mỗi cán bộ, công chức của ngành phải thường xuyên tự giác nghiên cứu, học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện mình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020”.

Tạ Quý Dương