Sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa công tác pháp chế

13/03/2008

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/05/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 122), thì tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thực hiện những công tác khác được giao; tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước có chức năng giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý và những vấn đề khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 31/2006/CT-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2006 về việc kiện toàn, củng cố và tăng cường hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 31). Theo đó, việc kiện toàn đội ngũ pháp chế đã được các ngành chú trọng quan tâm, đến nay hầu hết các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế, một số cơ quan đã xây dựng tổ chức pháp chế của cơ quan mình theo mô hình Tổ pháp chế (Sở Văn Hoá - Thông tin; Sở Giáo dục - Đào tạo), Phòng Thanh tra - Pháp chế (Sở Tài Nguyên - Môi trường; Sở Nông nghiệp & PTNT)...; các đầu mối được phân công đảm nhiệm công tác pháp chế là: Phòng Thanh tra, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Văn phòng Sở; cán bộ, công chức đảm nhận nhiệm vụ pháp chế đều có trình độ đại học và đã tham gia các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế. Trong 07 doanh nghiệp do UBND tỉnh quản lý, Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Quảng Bình đã thành lập Ban Pháp chế với 05 thành viên, còn các doanh nghiệp khác không thành lập tổ chức pháp chế tại công ty mình, nhưng đã bố trí ít nhất 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế. Cán bộ được giao làm công tác pháp chế kiêm nhiệm thường giữ các chức vụ lãnh đạo từ Trưởng phòng, hoặc Phó Trưởng phòng trở lên. Về trình độ chuyên môn, đa số các đồng chí đã tốt nghiệp đại học nhưng chủ yếu là đại học chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với chuyên môn, kỹ thuật của công ty nơi đang công tác. Những cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại các đơn vị này đã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về nghiệp vụ pháp chế.

Trong quá trình hoạt động, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 122; Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP; Chỉ thị số 31 thông qua các hội nghị hoặc các buổi họp giao ban triển khai công tác. Trong đó, nổi bật là Sở Giao thông  - Vận tải đã tổ chức 08 hội nghị, số người tham dự mỗi hội nghị là 86 người; Sở Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức 02 hội nghị với 210 lượt người tham dự; Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức 18 hội nghị (Văn phòng Sở tổ chức 02 hội nghị với 150 lượt người tham gia, các đơn vị trực thuộc tổ chức 16 hội nghị)...

Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị chú trọng quan tâm. Ngay từ đầu năm, các phòng chức năng đã tham mưu thủ trưởng cơ quan dự kiến, lập kế hoạch các văn bản quy phạm pháp luật năm 2007 trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình trình UBND tỉnh ban hành (Sở Tài nguyên & Môi trường; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Sở Tài chính...). Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Trong quá trình soạn thảo, nếu được giao chủ trì soạn thảo hoặc tham gia quá trình soạn thảo văn bản QPPL, cán bộ pháp chế đã chủ động, phối hợp hoặc tham gia với các phòng chuyên môn, đơn vị có liên quan để tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình thủ trưởng cơ quan. Vì vậy, chất lượng các văn bản soạn thảo ngày càng được nâng cao, văn bản được soạn thảo đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành. Trong năm 2007, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành văn bản QPPL (34 quyết định, 05 chỉ thị); tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 19 nghị quyết.

Ngoài ra các cơ quan chuyên môn còn tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản khác như quyết định, chỉ thị, công văn... (Sở Nội vụ đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 271 quyết định; Sở Tài chính tham mưu 2896 văn bản...)

Để cụ thể hoá, triển khai các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã gửi các công văn hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục & Đào tạo...); đồng thời đã tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị và các đơn vị cấp dưới như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ; Sở Giáo dục - Đào tạo... Trong đó, Sở Công nghiệp đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra sát hạch cấp chứng chỉ cho 113 học viên; Sở Thương mại - Du lịch tổ chức 02 lớp tập huấn cho đại diện của 150 doanh nghiệp trong toàn tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Ban Dân tộc tổ chức 13 lớp tập huấn với 667 người tham dự; Sở Giáo dục và đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 185 người là giáo viên đến từ các trường học trong toàn tỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông...

Công tác góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được các Sở, ban, ngành quan tâm, chú trọng và thực hiện đảm bảo chất lượng như Sở Tài chính (đã tham gia góp ý 44 dự thảo văn bản), Sở Thương mại - Du lịch (đã tham gia góp ý 05 văn bản)... Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đã được các ngành quan tâm thực hiện. Năm 2007, bộ phận pháp chế đã tham mưu cho thủ trưởng cơ quan tham gia phối hợp với Sở Tư pháp rà soát trình UBND tỉnh công bố văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành từ năm 1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực trong 9 lĩnh vực; Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND tỉnh bãi bỏ các văn bản hết hiệu lực trong lĩnh vực xây dựng do UBND tỉnh Quảng Bình ban hành.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các Sở, ban, ngành chú trọng quan tâm. Các văn bản Luật như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bầu cử Quốc hội; Luật Xây dựng; Luật Biên giới Quốc gia; Hiệp định biên giới Việt Nam; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật giao thông đường bộ; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP... và các văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị mình phụ trách. Đặc biệt, Sở Khoa học - Công nghệ đã phối hợp Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình dựng chương trình, phát sóng 12 phóng sự nhằm tuyên truyền các thành quả khoa học và công nghệ, phổ biến các thành quả khoa học và công nghệ ứng dụng vào đời sống và sản xuất; định kỳ 02 tháng một lần phát sóng các thông tin khoa học và công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; phát hành trên 1000 tài liệu tuyên truyền pháp luật về khoa học và công nghệ cho mọi đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn... phổ biến các văn bản pháp luật về giao thông, phòng chống ma tuý cho trên 4.000 người; đã phân bổ 200 bộ tranh, biển báo về giao thông; phân bổ 1.200 cuốn sách giáo dục trật tự an toàn giao thông cho các trường học trên địa bàn... Hầu hết các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã trang bị các tủ sách pháp luật và các đầu sách pháp luật có liên quan để phục vụ cho việc khai thác, tra cứu dữ liệu. Các cơ quan, đơn vị đã vận động cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Cư trú, pháp luật về an toàn giao thông do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát động,  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng pháp luật còn gặp những khó khăn, bất cập như cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động, kinh phí chưa có chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được cấp hàng năm của đơn vị, các cán bộ pháp chế tuy mới kiện toàn bước đầu làm quen với công việc nên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa chủ động tham mưu trong mọi công việc; chưa có biên chế cán bộ pháp chế chuyên trách để đảm đương công việc; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ; các văn bản ban hành còn có nhiều chồng chéo, khó áp dụng; các cán bộ pháp chế tuy đã được tập huấn nghiệp vụ song chưa được chuyên sâu và thời gian quá ít nên chưa nắm bắt hết yêu cầu của hoạt động này; hệ cơ sở dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác nên khó khăn trong việc khai thác...; trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, một số cơ quan còn lúng túng nên chưa bố trí chuyên viên chuyên trách công tác pháp chế theo yêu cầu mà giao trách nhiệm cho các Phòng Thanh tra, Phòng Hành chính- Tổng hợp, Văn phòng Sở cử cán bộ kiêm nhiệm hoặc công tác này được Lãnh đạo đầu ngành một số cơ quan đảm nhiệm.

Trong thời gian tới, thiết nghĩ để công tác pháp chế trên địa bàn ngày càng tốt hơn, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu và thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ pháp chế nói chung và của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng; thường xuyên cập nhật hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật trên mạng Internet để tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương khai thác dữ liệu; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung biên chế đảm nhận nhiệm vụ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh.

Đối với UBND tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đội ngũ báo cáo viên pháp luật và cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các doanh nghiệp do tỉnh quản lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc; quan tâm bố trí cấp kinh phí, tăng cường biên chế phục vụ cho hoạt động pháp chế; quan tâm các chế độ, chính sách khuyến khích các cán bộ làm công tác pháp chế; cập nhật hệ cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác do tỉnh ban hành trên trang tin điện tử của tỉnh để tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu thuận tiện và đạt hiệu quả tối ưu; tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu, các lớp đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế cho đội ngũ làm công tác pháp chế.

Hà Linh