Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm về vai trò, tổ chức bộ máy nhà nước trong nền kinh tế thị trường, hội nhập ở Nhật Bản.
Tại Tọa đàm, các đại biểu trong và ngoài nước đã cùng tìm hiểu vai trò quan trọng của Nhà nước từ góc độ pháp lý của Nhật Bản. Trong đó xác định, hoạt động của Nhà nước phải được thực hiện dựa trên pháp luật và đạo luật quan trọng nhất là Hiến pháp theo nguyên tắc pháp quyền - chủ nghĩa lập hiến. Hiến pháp theo chủ nghĩa lập hiến có mục tiêu hàng đầu là tôn trọng nhân quyền cơ bản và chủ quyền của công dân. Và để bảo vệ Hiến pháp, Nhà nước cần phát huy vai trò của Tòa án trong hệ thống giám sát, áp dụng biện pháp tư pháp do tòa án áp dụng khi quyền và lợi ích của con người bị cơ quan nhà nước xâm phạm.
Theo các đại biểu, có sự tương thích giữa Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp Nhật Bản với yếu tố chính là quyền làm chủ thuộc về nhân dân, bảo vệ các quyền cơ bản của con người (nhân quyền). Điều này cần được duy trì, phát huy trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động hiện nay.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiệu quả, phù hợp với quá trình phát triển luôn là sự quan tâm của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động hiện nay. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cải cách sâu rộng theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và điều đáng mừng trong công cuộc cải cách này, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Việc tìm hiểu Hiến pháp của Nhật Bản rất có ý nghĩa để rút ra những kinh nghiệm khi Việt Nam đang trong quá trình tổng kết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Hoàng Thư, ảnh Cục CNTT
Cục CNTT