Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch

03/06/2012
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch
Hôm qua (02/06), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Thiếu tướng Phan  Văn Giang, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, đại diện cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đông đảo các phóng viên báo đài đã đến dự và đưa tin.

   

Hội nghị đã nghe Thứ trưởng Đinh Trung Tụng trình bày báo cáo tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về hộ tịch. Theo đó, mặc dù cho đến nay Nhà nước ta chưa có một đạo luật riêng về hộ tịch nhưng đã có một hệ thống các VBQPPL về đăng ký và quản lý hộ tịch. Ngoài những quy định có tính nguyên tắc liên quan đến hộ tịch và đăng ký hộ tịch tại Bộ luật Dân sự 2005, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Luật Nuôi con nuôi 2010 còn có 06 Nghị định, 01 Thông tư liên tịch và 05 Thông tư điều chỉnh trực tiếp trong lĩnh vực hộ tịch. Đặc biệt trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây kể từ khi Nghị định số 83/1998/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ngày càng đi vào nền nếp, có những bước tiến cơ bản và đạt được những thành tựu quan trọng bao gồm: Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch được củng cố, đội ngũ công chức làm hộ tịch được tăng cường; Hệ thống sổ sách, dữ liệu hộ tịch được lưu trữ và sử dụng lâu dài; Đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch như: cải cách việc in, phát hành sổ, biểu mẫu hộ tịch, phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch, đơn giản hóa và công khai thủ tục đăng ký hộ tịch; Khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân; Công tác tuyên truyền về pháp luật nói chung và pháp luật hộ tịch nói riêng đã được quan tâm và đầu tư; Tỷ lệ đăng ký hộ tịch tăng lên khá cao; Ghi nhận những thành tựu bước đầu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch; Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài đã có những bước chuyển biến tích cực.

   

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có một số hạn chế: Thứ nhất, có quá nhiều văn bản cùng điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch nên tạo độ phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan hộ tịch, người dân khi áp dụng trong thực tế; văn bản điều chỉnh trực tiếp trong lĩnh vực hộ tịch chỉ là Nghị định, Thông tư, thiếu văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở cấp độ Luật để góp phần ổn định, đảm bảo quyền nhân thân cơ bản của cá nhân. Thứ hai, sự quan tâm và đầu tư cho công tác hộ tịch chưa đồng đều ở các địa phương. Ở một số địa phương việc bố trí cán bộ làm công tác hộ tịch chưa hợp lý, hạn chế trong công tác tập huấn về nghiệp vụ hộ tịch định kỳ, việc đầu tư cơ sở, vật chất phục vụ công tác hộ tịch chưa được chú trọng. Thứ ba, vẫn còn tình trạng đăng ký hộ tịch không kịp thời, chưa đầy đủ (số liệu đăng ký khai sinh quá hạn vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể; số nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vẫn còn tồn tại; tỷ lệ đăng ký khai tử còn rất thấp đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) và thiếu chính xác (đăng ký sai thẩm quyền; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch không căn cứ vào sổ gốc; quá dễ dãi trong việc cấp giấy tờ hộ tịch; cấp khống giấy tờ hộ tịch; chỉ cấp giấy tờ hộ tịch mà không ghi vào sổ hộ tịch; sổ hộ tịch bị tẩy xóa nội dung…). Thứ tư, dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán ở các sổ hộ tịch khác nhau, các cấp khác nhau và ở các địa phương khác nhau. Thứ năm, thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, phương pháp đăng ký hộ tịch chủ yếu được thực hiện thủ công. Thứ sáu, mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính đã bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên, việc thực hiện chế độ một cửa, một cửa liên thông trong đăng ký hộ tịch đôi khi có tác động ngược lại, đặc biệt là tiến độ xử lý hồ sơ. Thứ sáu, việc đăng ký quá hạn, đăng ký lại còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Thứ bảy, đối với công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài từng bước hạn chế hiện tượng tiêu cực, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn; các địa phương chưa áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật để giải quyết hồ sơ; thủ tục đăng ký còn phức tạp, quy đinh thời hạn giải quyết hồ sơ còn quá dài. Thứ tám, công tác đăng ký hộ tịch tại các Cơ quan đại diện vẫn còn một số hạn chế như chưa thực hiện tốt yêu cầu lưu trữ sổ hộ tịch; chế độ báo cáo, thống kê định kỳ và hàng năm; cấp giấy tờ hộ tịch không đúng theo quy định.

   

Qua những hạn chế nói trên, các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được tập trung vào việc hoàn thiện thể chế; quan tâm, đầu tư cho công tác hộ tịch; tăng cường công tác tuyên truyền; củng cố, tăng cường đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch, tiến tới xây dựng chức danh Hộ tịch viên; cải tiến sổ hộ tịch và phương thức đăng ký hộ tịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thực hiện phân cấp hợp lý giữa đăng ký và quản lý hộ tịch; quán triệt tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch; cần tính đến việc xây dựng mã số cá nhân cho mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết đi; củng cố và tăng cường hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện.

   

Hội nghị nghe dự thảo Luật Hộ tịch do đồng chí Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp trình bày và tham luận của các Bộ, ngành, Sở Tư pháp về mối quan hệ giữa quản lý nhà nước về hộ tịch của Bộ Tư pháp với quản lý nhà nước về hộ khẩu, chứng minh nhân dân của Bộ Công an, hướng dẫn phối hợp trong việc sử dụng số định danh cá nhân; công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; thực trạng đội ngũ cán bộ Tư pháp – Hộ tịch, công tác lưu trữ sổ hộ tịch và công tác tra cứu dữ liệu hộ tịch tại địa phương; áp dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch, phân cấp trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thực trạng giải quyết yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch của người dân; điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ cá nhân của cán bộ công chức theo giấy khai sinh ở một số tỉnh, thành…

   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các bộ, ngành và địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã có những đóng góp tích cực, giúp Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là lĩnh vực công tác quan trọng, thiết thực, gắn bó mật thiết đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của mỗi người dân, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Những sự kiện hộ tịch cơ bản của người dân luôn diễn ra từng ngày, từng giờ và đòi hỏi phải được pháp luật công nhận và đăng ký kịp thời. Thông qua việc đăng ký và quản lý hộ tịch, một mặt góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mặt khác, giúp cho Nhà nước theo dõi được thực trạng và sự biến động về hộ tịch, từ đó phục vụ cho công tác quản lý dân cư và xã hội, xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để tạo bước đột phá trong công tác hộ tịch, nhằm đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thời gian sắp tới.

   

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hộ tịch đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, trong đó tập trung xây dựng dự án Luật Hộ tịch; bảo đảm tiến độ, chất lượng, chú trọng đến những chính sách mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến cơ bản, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác này. Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và ý nghĩa chính trị, pháp lý của công tác hộ tịch đối với sự phát triển của đất nước. Phải xác định rõ công tác hộ tịch tuy là việc thuộc công tác tư pháp nhưng là nhiệm vụ chung của nhiều Bộ, ngành và chính quyền các cấp, là công cụ để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là một trong các yếu tố hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các Bộ, ngành và địa phương phải chung tay cùng ngành Tư pháp quan tâm, chỉ đạo để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác hộ tịch. Phải nhận thức rằng quản lý hộ tịch liên quan đến mỗi công dân trong mối liên hệ với các lĩnh vực khác, để từ đó tập trung đầu tư, xây dựng một thiết chế làm cơ sở cho việc quản lý một cách chặt chẽ, chính xác những biến động về nhân thân của công dân từ khi sinh ra cho đến khi chết, cần nghiên cứu việc cấp và sử dụng mã số cá nhân cho công dân.

   

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần quan tâm thích đáng, thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt những quy định của pháp luật về hộ tịch; khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và năng lực phục vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước ta.

   

Hội nghị đã tập trung thảo luận về nội dung dự thảo Báo cáo, dự thảo Luật Hộ tịch, các đại biểu tham dự đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, khách quan, cũng như những vướng mắc gặp phải từ thực tiễn thực hiện công tác hộ tịch tại địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, tạo điều kiện của các Bộ, ban, ngành, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, sự tham gia tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Sở Tư pháp các địa phương và toàn thể các đồng chí đại biểu.

Bộ trưởng đánh giá cao những ý kiến tham luận, trao đổi với tinh thần thẳng thắn, tập trung vào đánh giá kết quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, việc thực hiện các văn bản QPPL về hộ tịch trong suốt thời gian qua, những bất cập, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của công tác này cũng như ý kiến đề xuất giải pháp, sáng kiến tích cực để tháo gỡ khó khăn, hướng tới làm chuyển biến thật sự công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong thời gian tới.

   

Thực tiễn công tác đăng ký, quản lý hộ tịch hiện nay và những đòi hỏi của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải khẩn trương có những giải pháp hiệu quả, những sự đổi mới mang tính đột phá cả trong tư duy và hành động để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này. Về cơ bản, Bộ trưởng nhất trí với những giải pháp tổng thể mà Báo cáo tổng kết đã nêu, cũng như của các đại biểu tham gia thảo luận và đề nghị các Bộ, ban, ngành, các cơ quan hữu quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch trong việc bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong quản lý dân cư, quản lý xã hội cũng như trong  phát triển kinh tế - xã hội giữ gìn quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch; tăng cường bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã để thực hiện công tác hộ tịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đăng ký hộ tịch ở cấp huyện, xã, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài để kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

   

Đối với Dự thảo Luật Hộ tịch, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua Luật Hộ tịch theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Việc ban hành luật có ý nghĩa chính trị pháp lý to lớn, tạo cơ sở cho những chuyển biến căn bản của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và khắc phục hạn chế trong công tác hộ tịch hiện nay. Bộ trưởng cũng đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực và hiến kế thật tốt để hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch, bảo đảm sự đồng thuận cao vì sự nghiệp chung; các đồng chí đại biểu chỉ đạo đơn vị mình quán triệt sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, liên hệ với thực tế công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại đơn vị, địa phương mình để xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, tìm ra những giải pháp đồng bộ, khả thi, nhất là những giải pháp đột phá để tạo chuyển biến mạnh trong công tác này, để công tác hộ tịch của chúng ta góp phần tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

   

Bộ trưởng tin tưởng rằng, với những chủ trương mới của Đảng, Chính phủ, sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương và với kết quả thu được tại Hội nghị công tác hộ tịch nói riêng, công công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp nói chung sẽ ngày càng gặt hái được nhiều kết quả to lớn góp phần ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

   

Tại Hội nghị đã công bố quyết định khen thưởng và trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 112 tập thể và 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.