Vừa qua, Đoàn khảo sát liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã làm việc với Sở Tư pháp và các Sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng để khảo sát về tình hình triển khai thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Qua báo cáo của Sở Tư pháp thành phố về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho thấy, nhận thức của các cơ quan về vai trò của tổ chức pháp chế đã nâng cao rõ rệt. Đại diện các Sở, ban, ngành tham gia buổi khảo sát đã đưa ra những kiến nghị xuất phát từ thực tế triển khai công tác pháp chế và ban hành văn bản QPPL trên địa bàn thành phố nhằm góp phần nâng cao hiệu quả các công tác này.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã làm việc với UBND quận Sơn Trà để khảo sát về tình hình triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Qua số liệu thống kê của UBND quận Sơn Trà, từ năm 2005 đến 2011, HĐND, UBND quận đã ban hành 176 văn bản QPPL để thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Văn bản do cấp quận ban hành chủ yếu là Quyết định của UBND quận (66 văn bản); văn bản QPPL của cấp quận được ban hành dưới hình thức Chỉ thị rất ít (02 văn bản). Ở cấp phường chủ yếu là văn bản của HĐND (78 Nghị quyết); UBND cấp phường ban hành rất ít văn bản QPPL (09 Quyết định) và không ban hành Chỉ thị nào trong vòng 7 năm qua. Các văn bản được ban hành, về cơ bản đúng thẩm quyền, có chất lượng và tính khả thi, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa đường lối của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện UBND quận Sơn Trà cũng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Chẳng hạn, ở cấp xã, phường, với tính chất là cơ quan chấp hành, thừa hành, chủ yếu là tổ chức triển khai thực hiện văn bản QPPL của cấp trên, ít đặt ra những QPPL trong phạm vi địa phương nên văn bản cấp xã, phường ban hành thường là sao chép lại văn bản của cấp trên; cơ chế phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và văn phòng UBND quận còn chưa thực sự chặt chẽ; việc thực hiện quy định của Luật còn chưa thực sự nghiêm túc, đặc biệt là quy định về lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, quy định về thẩm định văn bản…
Qua thực tiễn thi hành Luật tại địa phương mình, đại diện UBND quận Sơn Trà đã có những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác ban hành văn bản quy phạm trên địa bàn, đặc biệt là các kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về ban hành văn bản. Cụ thể: cần sớm hợp nhất hai Luật về ban hành văn bản, trong đó nghiên cứu để quy định rõ tiêu chí phân biệt văn bản QPPL; bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của cấp xã; quy định cụ thể cơ chế ràng buộc đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định; sửa đổi quy trình soạn thảo, thông qua văn bản linh hoạt hơn….