Đoàn công tác liên ngành của Bộ Tư pháp khảo sát việc triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ và tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

18/05/2012
 Sau khi hoàn thành chương trình khảo sát tại tỉnh Sơn La và huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), ngày 17/5/2012, Đoàn công tác liên ngành của Bộ Tư pháp do đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm Trưởng đoàn cùng đồng chí Nguyễn Thái Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ và các chuyên viên của Bộ Tư pháp đã làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình về triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy pháp chế và tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo 14 Sở (theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP, phải thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở) đã tham dự chương trình làm việc.

Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Quách Đình Minh - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh đã có 51 công chức được phân công làm công tác pháp chế nhưng chỉ có 5 công chức làm chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Do không được phân bổ chỉ tiêu biên chế, nên chưa Sở nào thành lập được Phòng Pháp chế theo quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP (trừ Phòng Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm - thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Về tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND, tỉnh Hòa Bình đã cơ bản đảm bảo các nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện cho việc thực hiện Luật. Sở Tư pháp đã thành lập Phòng Xây dựng văn bản QPPL và Phòng Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản (mỗi phòng có 3 công chức). Phòng Tư pháp cấp huyện cũng đã bố trí được công chức làm công tác xây dựng văn bản QPPL. Tất cả các dự thảo văn bản QPPL ở cấp tỉnh trước khi ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định. Việc giao cho Phòng Tư pháp thẩm định dự thảo văn bản QPPL của UBND cấp huyện trước khi ban hành cũng đã đi vào nề nếp. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng được cơ quan tư pháp địa phương thực hiện có hiệu quả.

Tại buổi khảo sát, đại diện các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh & Xã hội; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, làm rõ thêm những vấn đề về thực trạng công tác pháp chế, công tác thực thi Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tại ngành mình. Hầu hết các ngành đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác pháp chế, nhưng có một khó khăn chung trong việc triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP là chỉ tiêu biên chế hành chính do Chính phủ giao cho tỉnh không tăng, nên không đơn vị nào có biên chế để thành lập Phòng Pháp chế. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cử nhân luật cũng đặt các ngành vào “thế khó”, vì ngay cả khi được giao chỉ tiêu biên chế, thì cũng không có cán bộ đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn (theo quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP) để bố trí làm công tác pháp chế (chưa kể đến việc không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng đi học Đại học luật (văn bằng 2) để làm công tác pháp chế).

Đối với việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND, các ý kiến đã nêu rõ những vướng mắc phát sinh tại cơ sở như: Quy định các dấu hiệu để xác định văn bản QPPL chưa rõ ràng; chưa có quy định về trách nhiệm pháp lý phát sinh đối với chủ thể có liên quan đến quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở địa phương trong trường hợp văn bản ban hành trái hoặc không phù hợp với quy định pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên tại thời điểm ban hành. Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND giao quyền cho HĐND, UBND cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh dẫn đến hệ quả là nhiều văn bản QPPL ở cơ sở được ban hành nhưng chất lượng không cao, chủ yếu sao chép lại các quy định của cấp trên.

Các đại biểu cũng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hợp nhất Luật Ban hành văn bản QPPL với Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND thành một luật chung; chỉ giao cho HĐND, UBND từ cấp huyện trở lên được ban hành văn bản QPPL để đảm bảo chất lượng công tác ban hành văn bản QPPL.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã ghi nhận các kiến nghị từ cơ sở, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để sớm thành lập Phòng Pháp chế tại các Sở theo quy định. Trong khi chờ hợp nhất 2 Luật Ban hành văn bản QPPL, các Sở được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo văn bản QPPL cần bám sát các quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương để xây dựng các quy định; từ đó nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản QPPL ở địa phương, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND các cấp đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Minh Ngọc