Bộ Tư pháp sơ kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II của Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính

10/09/2009
Bộ Tư pháp sơ kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II của Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng ngày 10/9/2009, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II của Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là Đề án 30) để kịp thời rút kinh nghiệm giai đoạn thống kê và tổ chức tốt giai đoạn rà soát trong thời gian tới. Đến dự Hội nghị có đại diện của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, đại diện lãnh đạo và cán bộ đầu mối phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thay mặt Tổ công tác Đề án 30 của Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Tổ công tác 30), Tổ trưởng - Chánh Văn phòng Lê Hồng Sơn báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 1 Đề án 30 tại Bộ Tư pháp và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2.

Theo đánh giá chung, kết thúc giai đoạn I của Đề án, Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt việc thống kê các thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai tài chính và các điều kiện thực hiện. Với số lượng thủ tục đứng thứ tư của các Bộ, ngành nhưng Bộ Tư pháp là Bộ thứ ba tổ chức công bộ Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Ngày 06/8/2009, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ công bố Bộ thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện và tham gia góp ý kiến. Tổng số đã có 327 thủ tục hành chính được thống kê và công bố, gồm 112 thủ tục ở cấp Trung ương, 125 thủ tục ở cấp tỉnh, 38 thủ tục ở cấp huyện và 52 thủ tục ở cấp xã. Sự thống kê đầy đủ, chính xác của giai đoạn I sẽ tạo điều kiện tốt cho việc rà soát của giai đoạn II và các giai đoạn sau của Đề án.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào việc đánh giá những kết quả đã đạt được trong giai đoạn I, những vấn đề chưa làm được hoặc làm chưa tốt, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các đơn vị với Tổ công tác. Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai giai đoạn I còn nhiều lúng túng, bị động; việc tập huấn cho các cán bộ đầu mối phối hợp chưa hiệu quả; sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị chưa thực sự đồng đều, chặt chẽ.

Trong giai đoạn II, trên cơ sở kết quả của giai đoạn I, Tổ công tác 30 sẽ phối hợp với các đơn vị trong rà soát từng thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính và rà soát theo nhóm những thủ tục hành chính có liên quan chặt chẽ với nhau theo các tiêu chí đã được chuẩn hoá trên cơ sở bảo đảm tính hợp pháp, tính cần thiết và sự hợp lý của thủ tục hành chính, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính và yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương là kết thúc giai đoạn II phải đơn giản hoá và kiến nghị đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý trên cơ sở các tiêu chí: loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp; hoàn thiện nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính; pháp lý hoá những thủ tục cần thiết, hợp lý nhưng chưa hợp pháp; phân cấp thực hiện hoặc áp dụng các biện pháp khác để thay thế thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Trên cơ sở xác định giai đoạn II là giai đoạn quan trọng và cũng là giai đoạn khó khăn, để giai đoạn II được triển khai bài bản, hiệu quả hơn, khắc phục những hạn chế của giai đoạn I, Bộ trưởng chỉ đạo Tổ công tác 30 cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết ngay từ đầu, xác định rõ những việc cần làm, kết quả cần đạt được, xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân và tiến độ thực hiện cụ thể, tránh tình trạng còn lúng túng như giai đoạn I. Thủ trưởng các đơn vị cần phải thực sự vào cuộc vì chủ thể thực hiện chính trong giai đoạn này là các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản và trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính. Ở mỗi đơn vị phải có một “tổ công tác” do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp là “Tổ trưởng”. Tổ công tác 30 cần phát huy vai trò là đơn vị đầu mối, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai của các đơn vị; xây dựng tiêu chí đánh giá để hàng tháng có sự kiểm điểm, đánh giá, xếp hạng, là căn cứ để xét khen thưởng cho các đơn vị khi kết thúc giai đoạn. Bộ trưởng mong rằng với sự đồng tâm hiệp lực và quyết tâm cao của các đơn vị, giai đoạn II Đề án 30 sẽ được thực hiện tích cực hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, cách mạng hơn ở Bộ Tư pháp.

Cục Công nghệ thông tin, ảnh Trung Dũng