Dự án Luật Thủ đô: Không phải để Hà Nội trở thành một “quốc gia riêng”!

10/09/2009
Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2045 về việc thành lập Tổ biên tập (TBT) dự án Luật Thủ đô, chiều 08/9, TBT đã có buổi họp đầu tiên để báo cáo tình hình và tiến độ soạn thảo dự án Luật.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long cho biết, mặc dù Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ lại có sự hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ và một số bộ ngành liên quan nhưng việc soạn thảo Luật còn chậm so với kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, việc thành lập TBT bị chậm 1 tháng so với kế hoạch, chưa tổng kết được 8 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô, chưa quyết định được kinh phí xây dựng Luật.

Về tiến độ chuẩn bị tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô, theo Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phan Hồng Sơn, đến nay Sở mới nhận được báo cáo của 7 đơn vị, trong đó có một số báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu nội dung. Ông Sơn nhận xét, việc các cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao đã gây khó khăn cho công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của UBND thành phố, khiến cho tiến độ, kế hoạch xây dựng dự luật của Ban Soạn thảo (BST) bị chậm lại

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh – Phó Tổ trưởng thường trực TBT – thừa nhận, nguyên nhân chậm là do cách làm, chưa có bộ phận tham mưu. Vì vậy, ông Khanh đề xuất, cần thành lập một tổ hoặc nhóm chuyên trách để làm 3 việc là tham mưu nội dung, tiến độ xây dựng dự luật; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc; tổng hợp, đề xuất những công việc đã và đang làm. Về vấn đề chia nhóm, ông Khanh cho rằng, việc phân công các thành viên TBT làm 4 nhóm kinh tế; giáo dục, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường; tổ chức bộ máy; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và hợp tác quốc tế như dự kiến là chưa ổn. Theo ông Khanh, nên có 5 nhóm và đặt tên là nhóm kinh tế; nhóm văn hoá – xã hội, nhóm về xây dựng và quản lý đô thị; nhóm an ninh quốc phòng và đối ngoại; nhóm xây dựng hệ thống chính trị thủ đô (vì chỉ gọi là tổ chức bộ máy thì quá đơn giản so với thực tế đang diễn ra của Hà Nội). Đối với đề cương tổng kết 8 năm thi hành Pháp lệnh, ông Khanh yêu cầu, từ báo cáo của các sở, ban, ngành và các quận huyện phải đánh giá và khái quát cho được đâu là đặc thù của Hà Nội thì mới có thể đề xuất các quy phạm pháp luật giải quyết những đặc thù đó. Cho nên, ông Khanh mong muốn các bộ, ngành tư vấn là Hà Nội nên có những đặc thù gì để sớm tổ chức một cuộc hội thảo. Về vấn đề kinh phí, theo ông Khanh, trước mắt Sở Tư pháp và Văn phòng UBND cứ xin tạm ứng đảm bảo cho các hoạt động xây dựng dự án Luật sao cho đúng Luật Ngân sách Nhà nước, còn khi nào có bộ phận chuyên trách thì lúc đấy mới dự kiến hết đầu việc và ra được kinh phí chi tiết hơn.

Sau khi lắng nghe góp ý của các thành viên TBT, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn ThếThảo -  Phó trưởng ban thường trực BST dự án Luật Thủ đô – khẳng định, dự luật sẽ là “bộ sưu tập” các cơ chế chính sách đặc thù để Hà Nội có đủ không gian phát triển và được quản lý có khuôn khổ, song không phải để trở thành một “quốc gia” riêng, không tạo ra những cơ chế độc quyền. Vì vậy, ông Thảo nhấn mạnh, phải mời thêm nhiều chuyên gia hơn nữa tham gia vào các nhóm công tác xây dựng dự án luật. Chẳng hạn, chuyên gia của một số cơ quan thuộc chính phủ hoặc TƯ như Ban Thi đua khen thưởng, Ban Tôn giáo chính phủ, Uỷ ban dân tộc, Viện KHXH Việt Nam… Tán thành việc thành lập bộ phận chuyên trách nhưng ông Thảo cho rằng, nếu chia TBT làm 5 nhóm thì nên có 5 bộ phận chuyên trách và phải có quy chế, phân công công việc cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng BST, trong thời gian gần 1 tháng, TBT phải khẩn trương làm một số công việc như dịch tài liệu tham khảo nước ngoài (nếu không phải tổ chức khảo sát thực tế tại thủ đô của một số nước), tiến hành rà soát, hệ thống hoá các văn bản liên quan… Bộ trưởng lưu ý, không nên kỳ vọng quá vào tổng kết của các ngành, các quận huyện mà quan trọng là phải tổng kết ở cấp thành phố, chứ không chờ đủ mới làm báo cáo tổng kết và yêu cầu đầu tháng 10 tổ chức họp một lần nữa để BST cho ý kiến chỉ đạo. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đồng tình với đề xuất của một thành viên TBT là tổ chức nhóm thường trực là đầu mối liên kết các bộ phận làm việc chuyên môn.

Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Tổ trưởng TBT nhấn mạnh, phải xây dựng để Luật đi vào cuộc sống, chứ không phải là mang tính bất khả thi như Pháp lệnh Thủ đô. Đạo luật này phải tạo được cơ chế đặc thù để giải phóng tiềm năng vốn rất mạnh của thủ đô. Thứ trưởng chia sẻ, 23 việc trong kế hoạch và thêm nhiều việc khác có thể phát sinh nên tâm lý lo lắng là đương nhiên. Tuy nhiên, TBT không phải làm các đầu việc một cách tuần tự mà có những việc phải làm cùng lúc với nhau. Thứ trưởng lưu ý, dự án Luật Thủ đô là vấn đề được cả nước quan tâm chứ không phải chỉ có mỗi Hà Nội. Cuối cùng, Thứ trưởng kết luận, cần làm ngay một số việc như từ giờ cuối tháng các nhóm phải báo cáo hoạt động, tổng kết 8 năm, dịch tổng thuật kinh nghiệm nước ngoài và đánh giá tác động của dự luật.

Hoàng Thư