Đoàn công tác Liên ngành do Bộ Tư pháp dẫn đầu làm việc tại tỉnh Bình Phước: Công tác văn bản đòi hỏi sự chỉnh chu, gắn kết...

09/09/2009
Đoàn công tác Liên ngành do Bộ Tư pháp dẫn đầu làm việc tại tỉnh Bình Phước: Công tác văn bản đòi hỏi sự chỉnh chu, gắn kết...
Hôm qua (08/9), Đoàn công tác Liên ngành về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước và các sở, ngành trong tỉnh về công tác văn bản và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp trên địa bàn.

Tăng tính phản biện

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, trong công tác văn bản, sợ nhất là việc làm theo kiểu “máy móc”, bởi vậy, tỉnh quán triệt tinh thần tăng cường tính phản biện, “dám làm, dám chịu”, không thể cái gì cũng sợ. Tuy nhiên, cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước khẳng định, văn bản nào Sở Tư pháp chưa thẩm định thì lãnh đạo tỉnh không ký ban hành... Mặc dù vậy: “Anh em chỉ nắm cốt lõi văn bản thôi chứ nhận xét gì về thể chế thì chưa thể” – ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, điều đáng mừng là Bình Phước là địa phương được Chính phủ nhận xét trong lĩnh vực đầu tư không “phá rào”. Có được điều này là do công tác thẩm định văn bản được xem trọng dù ngân sách eo hẹp. “Những đồng chí làm công tác chuyên môn, nhất là thẩm định các Nghị quyết của tỉnh thì cũng “giàu”. Cứ một Nghị quyết sẽ được hưởng 4,5 triệu đồng, mỗi năm mà có 10 Nghị quyết thì có 45 triệu đồng” – ông Lợi bộc bạch.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ, cho rằng công tác văn bản đòi hỏi phải chỉnh chu thì mới thiết thực, trong khi báo cáo của tỉnh chưa toát lên những điều mà Đoàn muốn có thông tin.

“Gác cổng” đảm bảo cho 100% văn bản

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá, việc Bình Phước quan tâm tới công tác soạn thảo cũng như thẩm định VBQPPL là tín hiệu mừng đối với ngành Tư pháp. Sau khi có Luật Ban hành VBQPPL, thời gian qua, Sở Tư pháp cơ bản tham mưu đúng, chưa xảy ra sai sót gì nghiêm trọng. Về tổ chức cán bộ, dù chưa đầy lấp đủ nhưng cơ bản cán bộ tư pháp cũng đáp ứng tương đối đầy đủ yêu cầu của xã hội. Thứ trưởng nói: “Hàng năm tỉnh chi cho công tác văn bản 1 tỷ đồng là đáng hoan nghênh. Điều mừng nữa là công tác “gác cổng” cho tỉnh bảo đảm 100% văn bản đều phải qua cửa Sở Tư pháp thẩm định - điều mà không phải tỉnh nào cũng làm được. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, công tác xây dựng thể chế về nội vụ thấy “vắng bóng” đội ngũ cộng tác viên và quy chế cộng tác viên. Công tác xử lý, ban hành lại rải rác trong nhiều năm, chưa gắn kết chung với nhau. Về chế độ phụ cấp cho đội ngũ làm công tác tư pháp, Thứ trưởng cho biết tới đây nếu Nghị định mới thay thế Nghị định 135 được ban hành thì chế độ cho cán bộ sẽ được cải thiện đáng kể.

Hiện tư pháp còn tồn tại các vấn đề như: Thực hiện chuyển giao mọi giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản từ UBND sang cho các tổ chức công chứng, Thực hiện thí điểm xã hội hóa công chứng và việc tạo điều kiện để cấp xã có từ 2 đến 3 cán bộ tư pháp, như thế mới có thể làm tốt công việc của mình. Đối với Thi hành án dân sự, tỉnh đã thành lập hai huyện mới, theo đó phải thành lập hai cơ quan Thi hành án dân sự, vì vậy Thứ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện về đất đai còn chi phí Bộ sẽ rót xuống.

Những kiền nghị của Đoàn công tác được ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định ủng hộ. Ngay trong buổi họp, ông Lợi đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu tỉnh trong việc thực hiện câu chuyện “công chứng và trụ sở ở hai huyện mới”. Còn về công tác cán bộ tư pháp xã, ông Lợi khẳng định, cần thiết thì tiến hành hợp đồng ngay, Sở Tư pháp cần phối hợp với Sở Nội vụ trong việc công tác này.

 Phong Trần