Đoàn công tác Liên ngành do Bộ Tư pháp dẫn đầu làm việc tại tỉnh Đồng Nai: Thường xuyên kiểm tra công tác văn bản hơn

08/09/2009
Đoàn công tác Liên ngành do Bộ Tư pháp dẫn đầu làm việc tại tỉnh Đồng Nai: Thường xuyên kiểm tra công tác văn bản hơn
Hôm qua (07/9), Đoàn công tác Liên ngành (gồm đại diện Vụ Pháp chế Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác xây dựng, ban hành, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại tỉnh Đồng Nai.

Văn bản năm trước, năm sau mới dùng!

Theo ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hàng năm tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng dự kiến chương trình ban hành VBQPPL. Theo đó, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm đăng ký VBQPPL dự  kiến ban hành, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành trong năm. Nhờ vậy, UBND tỉnh chủ động trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực xây dựng và ban hành VBQPPL.

Tuy nhiên, việc đăng ký và thực hiện chương trình nói trên vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng chậm trễ, có trường hợp gia hạn thời gian đăng ký để Chương trình được đầy đủ. Nhiều trường hợp, sở, ban, ngành không tập hợp dự kiến tham mưu ban hành văn bản của các đơn vị trực thuộc. Vì vậy, khi các đơn vị này trình ban hành văn bản, thường xuyên xảy ra tình trạng văn bản ngoài Chương trình dự kiến hoặc một số sở, ban, ngành đề nghị đưa vào Chương trình nhiều dự thảo VBQPPL mà chưa tính kỹ đến các yếu tố đảm bảo thực hiện, phải xin điều chỉnh, hoãn hoặc rút dự thảo ra khỏi chương trình, dẫn đến tình trạng văn bản được đăng ký trong năm trước nhưng đến năm sau mới thực hiện còn khá phổ biến.

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đề nghị tỉnh nói về công tác thể chế ở cấp tỉnh, huyện và xã một cách cụ thể hơn; cho biết thời gian qua tỉnh thực hiện công tác thể chế như thế nào; trong công tác soạn thảo, ban hành văn bản có những mặt nào tốt, mặt nào chưa tốt(?) “Đặc biệt, kể từ khi có Luật Ban hành VBQPPL, có xảy ra tình trạng “trốn” thẩm định như đã xảy ra ở một vài địa phương” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng đề nghị tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, rà soát VBQPPL, chứ không thể đến kỳ mới làm. Việc này, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện chưa thể vì các sở, ngành phải làm theo kế hoạch công tác với quá nhiều việc. ông Thinh “hứa” sẽ cố gắng khắc phục việc này, đồng thời sẽ có báo cáo cụ thể hơn theo yêu cầu Đoàn công tác.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ đề nghị Đồng Nai đánh giá thêm nhận thức chung của cán bộ về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Trong quá trình thực thi văn bản, một vài văn bản tỉnh cho là bị “vênh” thì đã xử lý “vênh” đó như thế nào, cũng được ông Ngọc đặt ra.

Sau khi nêu lên tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành cũng như kiểm tra, xử lý VBQPPL, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần quan tâm đến công tác cán bộ tư pháp cấp xã, bởi hiện cán bộ tư pháp cấp xã làm đến 13 đầu việc, gồm cả công tác thanh tra rồi tiếp công dân, chứng thực... Thứ trưởng chỉ đạo Sở Tư pháp phải kịp thời tham mưu cho tỉnh nhiều hơn nữa trong công tác văn bản, có như thế chất lượng văn bản mới đảm bảo tính pháp lý. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo ngay việc thực hiện chuyển giao tất cả giao dịch, hợp đồng về bất động sản (nhà cửa, công trình xây dựng...) sang cho hoạt động công chứng thay vì chứng thực để bảo vệ các bên giao dịch, nhằm bảo đảm cho sự an toàn, ngăn ngừa tiềm ẩn yếu tố bất ổn định khi tranh chấp xảy ra.

Kịp thời phát hiện văn bản trái luật

Trước đó, Đoàn Liên ngành cũng đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đồng Nai. Ông Huỳnh Minh Thiện, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Từ đầu năm đến nay Sở đã thẩm định 63 dự thảo VBQPPL do các sở, ban, ngành cấp tỉnh gửi đến, góp ý 77 dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương”. Cơ quan này còn kiểm tra 82 văn bản pháp luật do HĐND và UBDN các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa ban hành. Ngoài ra, cũng theo ông Thiện, Sở còn tự kiểm tra 36 văn bản, kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, xử lý 6 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thể thức và cả kỹ thuật trình bày như: “Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ Trật tự an toàn giao thông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, Kế hoạch sử dụng đất năm 2006 - 2010 huyện Long Thành của UBND tỉnh”...

Kiến nghị với Đoàn công tác Liên ngành, ông Thiện cho biết địa phương  gặp khó khăn trong việc tuyển cán bộ vào làm việc ở các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến huyện, đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn thì chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công tác tư pháp cơ sở. Theo phản ánh từ các đại diện Sở Tư pháp,

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở Tư pháp bổ sung thêm, hiện Sở đang rà soát công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, song còn đó nhiều băn khoăn, do công việc cán bộ tư pháp cơ sở ngày càng nhiều. Về công chứng, chứng thực, ông Cường cho rằng việc phát triển Văn phòng Công chứng (công chứng tư) và việc chuyển giao chứng thực các giao dịch liên quan đến bất động sản cho công chứng thực cần thực hiện song song với nhau. Bởi nếu chưa có Văn phòng Công chứng mà chuyển giao thì người dân sẽ gặp khó khăn, vì thế, nơi nào đã có Văn phòng Công chứng, UBND sẽ chuyển giao việc công chứng ngay.

Nói về công tác THADS, bà Phạm Thị Ngọc Yến, Trưởng THADS tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 7/2009, Đồng Nai đã thụ lý 20.518 vụ việc, bình quân mỗi chấp hành viên thụ lý giải quyết 387 việc – tỷ lệ khá cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, THADS tỉnh và các huyện, thị về việc đạt 70,25%, về tiền đạt 46,78%; các đơn vị THA đều đạt tỷ lệ trên 20% về giảm lượng án tồn đọng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá tỉnh Đồng Nai đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bộ và của Tỉnh, đồng thời ghi nhận kết quả mà THADS Đồng Nai gặt hái được trong 9 tháng qua, dù còn một vài chỉ tiêu của Bộ chưa đạt.

Phong Trần