Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Bạc Liêu: Tư pháp Bạc Liêu cần bứt phá

20/08/2009
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại Bạc Liêu: Tư pháp Bạc Liêu cần bứt phá
Trong lĩnh vực con nuôi đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, nhất là vấn đề tài chính nhưng không vì thế mà chúng ta làm mất đi quyền lợi của các cháu vốn đã bất hạnh. Khâu nào vi phạm chúng ta kiên quyết xử lý đúng người đúng tội nhưng đừng để ảnh hưởng quyền lợi của các cháu” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý ngành Tư pháp Bạc Liêu trong buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 19/8

Không được ngủ quên trên thành quả

Đánh giá cao những thành quả mà Tư pháp Bạc Liêu đã đạt được, Bộ trưởng cũng khẳng định: “Đằng sau những thành quả đó có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh”. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sự phát triển kinh tế, xã hội và sự tín nhiệm của Chính phủ đang đặt ra cho ngành Tư pháp nhiều nhiệm vụ mới. Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành, vị thế, quy mô và cách làm của THADS sẽ khác nhiều so với trước kia. “Chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho việc này? Tôi lo nhất là vấn đề nhân lực,  chúng ta thiếu trầm trọng chấp hành viên được đào tạo chuyên ngành luật”. Bộ trưởng cũng lưu ý, từ ngày 01/7/2010, ngành Tư pháp sẽ thực hiện công tác lý lịch tư pháp cho toàn xã hội, đây là một công việc không hề đơn giản vì cán bộ tư pháp ngoài chuyên môn thì còn rất thiếu kiến thức tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội. Cũng phải kể đến việc tới đây Luật Bồi thường Nhà nước có hiệu lực thi hành, ngành Tư pháp trở thành cơ quan tham mưu cho UBND các cấp thi hành luật này. “Bồi thường nhà nước sẽ xảy ra trong nhiều lĩnh vực và cơ quan tham mưu cần phải biết tham mưu cho đúng pháp luật từng trong lĩnh vực cụ thể, từng vụ việc cụ thể” – Bộ trưởng nói.

Ghi nhận Bạc Liêu là đơn vị mạnh về công tác tư pháp, nhưng Bộ trưởng vẫn mong Bạc Liêu sẽ tiếp tục phấn đấu, chọn một số lĩnh vực để bứt phá như công chứng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, “không ngủ quên trên thành quả”, có như vậy mới hạn chế được phiền hà cho người dân và khẳng định sự đóng góp của ngành Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Xử lý nghiêm nhưng phải bảo đảm quyền lợi cho các cháu

Làm việc với ông Phan Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ và ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Bộ trưởng nêu lên 4 vấn đề chính của ngành Tư pháp cần được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn. Đó là việc Nghị định số 16/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng giao Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh quản lý việc bán đấu giá tài sản. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc do không có sự thống nhất giữa các Sở, ngành về việc định giá, đấu giá tài sản công, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất công. Bộ trưởng đề nghị Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND chỉ đạo các ban ngành tập trung thi hành quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 về đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng giai đoạn 2018 - 2012 để có 100% phòng công chứng trên các huyện, thị. Trong vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh, các ban ngành của tỉnh không thống nhất sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai các cháu.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề con nuôi, phải đặt quyền lợi các cháu lên hàng đầu vì năm 2009 tỉnh có 23 hồ sơ xin con nuôi nhưng chỉ giải quyết được 3 hồ sơ. Bộ trưởng nêu lên một ví dụ cụ thể: Một đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, có bạn là hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Vợ chồng người này thông qua vị Đại sứ kia xin một con nuôi tại Bạc Liêu, nhưng thủ tục cả năm nay vẫn chưa xong chỉ vì đứa bé đã có giấy chứng nhận là con rơi, không có khai sinh, hộ khẩu… Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực con nuôi đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, nhất là vấn đề tài chính nhưng không vì thế mà chúng ta làm mất đi quyền lợi của các cháu vốn đã bất hạnh. Khâu nào vi phạm chúng ta kiên quyết xử lý đúng người đúng tội nhưng đừng làm ảnh hưởng quyền lợi các cháu”.

Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến Bộ trưởng nêu ra và hứa sẽ rà soát lại tất cả những vấn đề Bộ Tư pháp đã đề cập, đồng thời sẽ nhắc nhở những Sở, ngành chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với ngành Tư pháp.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cũng kiến nghị với Bộ trưởng một số vấn đề pháp lý liên quan tới đô thị. Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 thị xã Bạc Liêu sẽ nâng cấp lên thành thành phố. Hiện nay địa phương đang vướng vào vấn đề pháp lý. Theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị thì khi nâng cấp đô thị sẽ được nâng cấp luôn về mặt quản lý nhà nước, nhưng hiện nay Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về việc phân loại đô thị, tổ chức lập,  thẩm định đề án và quyết định công nhận loại đô thị bãi bỏ Nghị định số 72/2001/NĐ-CP và quy định rằng chỉ nâng cấp đô thị chứ không nâng cấp về mặt quản lý nhà nước. Bộ trưởng tiếp thu kiến nghị này và hứa sẽ trả lời cho địa phương sớm nhất sau khi đã làm việc với Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng khẳng định sẽ cấp đất cho các cơ quan THADS để xây kho chứa tang vật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Ngọc Long