Ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi có buổi làm việc với Thi hành án dân sự (THADS) TP HCM cùng Cục Quản lý THADS, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp về vấn đề chuyển đổi số trong công tác THADS hiện nay.
Tiên phong trong chuyển đổi số
Theo đó, thời gian qua, THADS TP HCM đã tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số toàn diện trong công tác THADS theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể, ngành THADS TP HCM đã xây dựng phần mềm thông báo THADS và kết nối thực hiện thông báo qua ứng dụng VNeID - Bộ Công an. Theo đó, tính từ ngày 5/7 đến nay, THADS TP HCM đã thực hiện thành công gần 1.600 lượt gửi thông báo thông qua nền tảng VNeID. Các đương sự nhận được các thông báo THADS một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời và thuận tiện, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Việc triển khai hình thức thông báo này không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động THA, mà còn hạn chế tối đa tình trạng chậm trễ, thất lạc thông báo do phụ thuộc vào hình thức gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính truyền thống.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng thì thông báo THADS qua ứng dụng VNeID đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Việc yêu cầu phải có sự đồng ý của đương sự để áp dụng hình thức thông báo qua ứng dụng định danh điện tử VNeID là chưa phù hợp vì phần lớn người phải THA thường có thái độ né tránh, không hợp tác. Điều này khiến việc ứng dụng CNTT trong công tác thông báo THA gặp nhiều vướng mắc, làm giảm hiệu quả và tính kịp thời trong THA.
Từ đó, THADS TP HCM đề xuất nghiên cứu, sửa đổi quy định cho phép chấp hành viên được thực hiện thông báo THA cho đương sự qua ứng dụng định danh điện tử VNeID mà không cần sự đồng ý của đương sự; đề xuất Bộ Tư pháp trao đổi với TANDTC về việc TAND có thẩm quyền phải ghi nhận số căn cước công dân trong phần thông tin của đương sự của bản án, quyết định, làm cơ sở cho việc thông báo điện tử trong quá trình THA đạt hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, chính xác.
Biên lai điện tử cũng được xem là một bước đột phá trong chuyển đổi số của THADS TP HCM. Theo số liệu ghi nhận tính đến ngày 13/7, THADS TP HCM đã phát hành hơn 5.000 biên lai điện tử tương ứng với số tiền THA đã thu là hơn 2.400 tỷ đồng. Việc áp dụng biên lai điện tử đã bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, hạn chế như còn một số lỗi kỹ thuật. Hiện nay, một số trại giam chưa công nhận biên lai điện tử thu tiền THADS, yêu cầu đương sự phải thực hiện thủ tục xác nhận THA… Từ đó, THADS TP HCM đề xuất Bộ Tư pháp, Cục Quản lý THADS có văn bản trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước liên quan để thông báo về việc sử dụng biên lai điện tử.
Đáng chú ý là THADS TP HCM đã xây dựng một phần mềm riêng để phục vụ tổ chức thi hành vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Do vụ án có hàng nghìn tài sản khác nhau (động sản, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, quyền vốn góp, quyền tài sản...) và hàng chục nghìn đương sự, để có tính chính xác và phục vụ công tác quản lý, phân loại, THADS TP HCM đã chủ trương xây dựng các phần mềm phục vụ tổ chức THA cho vụ án này. Kết quả, THADS TP HCM đã thực hiện thanh toán tiền THA đợt 1 bằng hình thức chuyển khoản cho hơn 4.000 người được THA với hơn gần 7.500 tỷ đồng, đúng tỷ lệ, đúng đối tượng, được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, THADS TP HCM cũng đang xây dựng phần mềm hỗ trợ ra quyết định THA, phần mềm hệ thống quản lý, báo cáo thống kê THADS, xây dựng phần mềm quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ, số hóa hồ sơ lưu trữ trong công tác THADS cũng được THADS TP HCM chú trọng thực hiện.
Ngoài ra, THADS TP chủ động kiến nghị triển khai, thực hiện trục liên thông kết nối với các cơ quan có liên quan như: Kết nối với Tòa án (thiết lập kết nối dữ liệu điện tử để tự động tiếp nhận bản án, quyết định có hiệu lực ngay sau khi tuyên hoặc giao bản chính; hỗ trợ tích hợp số hóa bản án vào phần mềm thụ lý THADS); Kết nối với VKS (chia sẻ thông tin phục vụ công tác kiểm sát việc ra quyết định, THA, xử lý tài sản, cưỡng chế…) cập nhật kịp thời kiến nghị, kháng nghị của Viện để chấp hành viên có cơ sở xử lý phù hợp; Kết nối với UBND các cấp, Công an, Văn phòng đăng ký… nhằm xác minh thông tin nhân thân, nơi cư trú, điều kiện THA của người phải THA; Tra cứu tình trạng pháp lý của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, phục vụ kê biên, xử lý tài sản; Phối hợp đăng ký biện pháp cưỡng chế, hạn chế quyền chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho tài sản theo yêu cầu THA…
Giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân đơn vị
Cho rằng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác THA nên Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhắc đi nhắc lại, các đơn vị phải tập trung lực lượng, khẩn trương thực hiện cho bằng được các nhiệm vụ được giao, không được chung chung, mà phải có thời gian, kế hoạch chi tiết cụ thể, giao việc cho từng người để chịu trách nhiệm cụ thể.
Buổi làm việc giữa Thứ trưởng Mai Lương Khôi với THADS TP HCM cùng Cục Quản lý THADS, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Tư pháp về vấn đề chuyển đổi số trong công tác THADS hiện nay.
Đối với vướng mắc trong thông báo THA qua VNeID thì giao Cục Quản lý THADS nghiên cứu, đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện để có báo cáo, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định cho phù hợp.
Đối với việc thiếu cơ sở hạ tầng đáp ứng áp dụng CNTT, Thứ trưởng giao trách nhiệm cho Cục trưởng Cục CNTT, Ban Chuyển đổi số (Cục Quản lý THADS) phải sâu sát nắm bắt được cơ sở vật chất của toàn bộ hệ thống THADS trên toàn quốc xem địa phương nào đủ điều kiện đáp ứng, địa phương nào chưa. Phải biết được còn thiếu bao nhiêu trang thiết bị, loại thiết bị gì, cấu hình từng loại máy ra sao, đường truyền thế nào thì mới đáp ứng được để có kế hoạch nhằm hỗ trợ các địa phương và việc hỗ trợ này được bao nhiêu %, có đủ để thực hiện hay không hay cần phải có những nguồn kinh phí khác.
Về cấp chữ ký số cho chấp hành viên, Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu Cục trưởng Cục CNTT phải sâu sát, cụ thể để xem chậm ở khâu nào để có giải pháp và đến khi nào sẽ việc cấp chữ ký số cho các chấp hành viên hoàn thành…
Về phần mềm hỗ trợ ra quyết định THADS, Thứ trưởng yêu cầu bằng mọi giá, việc này phải được triển khai vào ngày 17/7 tới.
Về phương pháp, cách làm, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, phải làm một cách đồng bộ, xuyên suốt. Các đơn vị phải phối hợp với nhau nhịp nhàng, tránh tình trạng dưới làm khác, trên làm khác hay phần mềm này làm một kiểu, phần mềm kia lại làm một kiểu để đến lúc xong hết thì không đồng bộ được với nhau. Phải làm sao để kiến trúc số phải đồng nhất, phần này hỗ trợ cho phần kia để kết nối với nhau một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất không chỉ trong ngành THADS, mà còn với các cơ sở dữ liệu của các ngành khác.
Để làm được điều này, Thứ trưởng lưu ý, THADS TP HCM phối hợp với Cục Quản lý THADS, Cục CNTT, Công ty FPT một cách thường xuyên, cụ thể để cùng hiểu rõ vấn đề từng đầu việc. Chẳng hạn, khi TP HCM đề xuất vấn đề nào đó thì phía Cục CNTT, Cục Quản lý THADS… phải cho ý kiến ngay là có làm được hay không, nguyên nhân vì sao, để sau này biết trách nhiệm của từng cơ quan. Cục CNTT, Cục Quản lý THADS cũng như Công ty FPT phải tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các phần mền, hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho toàn hệ thống THADS về từng nội dung, đầu mục cụ thể để làm sao chậm nhất là ngày 1/10, ngành THADS phải đồng loạt triển khai, áp dụng thông suốt các phần mềm ứng dụng CNTT vào THA một cách thiết thực hiệu quả cho tất cả các công việc.
Nguyễn Trường Giang - Hoàng Quý