Chiều 11/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Dân số. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Trình bày nội dung dự án Luật Dân số, đại diện Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc, tích cực tham gia, phối hợp, nỗ lực triển khai công tác dân số của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức quốc tế, công tác dân số nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Chính sách, pháp luật về dân số từng bước được hoàn thiện. Từ năm 2006 đến năm 2021, nước ta đã đạt và duy trì mức sinh thay thế; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp; quy mô dân số năm 2024 đạt hơn 101 triệu người.
Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Y tế nhận thấy, nhiều quy định có liên quan đến công tác dân số chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thực trạng dân số Việt Nam đã phát sinh những vấn đề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết. Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo, nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức, năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống - vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (103-107), năm 2024 là 111,4. Như vậy, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15-49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Do đó, Luật Dân số được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề dân số và công tác dân số; có các biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh về dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số phát triển trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 21 Điều, tập trung về các nội dung cụ thể như về biện pháp duy trì mức sinh thay thế: Ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản, nghỉ thêm 01 tháng ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, nghỉ thêm 05 ngày làm việc ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Ưu đãi về tài chính, chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi phụ nữ sinh con, sinh đủ 02 con và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi; chi hỗ trợ sinh hoạt phí; mua hoặc thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Hỗ trợ chi phí ăn đối với trẻ em học mầm non. Hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Về biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên: Đưa nội dung không trọng nam hơn nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; đình chỉ có thời hạn đối với người hành nghề y có hành vi công bố, thông báo, tiết lộ thông tin về giới tính thai nhi cho khách hàng, trừ trường hợp xác định giới tính phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh di truyền liên quan đến giới tính theo quy định của Bộ Y tế; ưu đãi tài chính về hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho những gia đình chỉ sinh hai con gái.
Góp ý tại buổi thẩm định, ông Nguyễn Xuân Mai, Bộ Công an đề nghị rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong nội dung quy định về hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con trong sàng lọc trước sinh và sơ sinh quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này và việc sàng lọc bệnh, tật bẩm sinh trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đồng thời, đại diện Bộ Công an nêu rõ, tại khoản 2 Điều 17 của Luật quy định việc sàng lọc bệnh, tật bẩm sinh trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản do ngân sách nhà nước bảo đảm nên không thể giao cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định áp dụng ưu đãi về tài chính trong biện pháp duy trì mức sinh thay thế theo quy định tại khoản 6 Điều 11.
Bên cạnh đó, về quy định “ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với gia đình sinh con một bề, có hai con gái” mang lại nhiều cách hiểu khác nhau về “sinh con một bề” dễ gây nhầm lẫn trong quá trình triển khai, do đó cần nghiên cứu, quy định rõ ràng hơn.
Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định góp ý các nội dung về nội dung xây dựng và phát triển cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi; bổ sung định nghĩa về già hóa dân số, dân số già; bổ sung nguyên tắc về lồng ghép, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm đồng bộ, thống nhất; nghiên cứu, bổ sung các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số ngoài nguồn lực tài chính; cân nhắc, nghiên cứu, bổ sung nội dung về vô sinh, hiếm muộn...
'
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận buổi thẩm định.
Phát biểu kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân số để tạo cơ sở thống nhất, đồng bộ, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng.
Về dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung nội dung, trong đó bổ sung nguyên nhân bất cập; làm rõ thêm nội dung về dân số phát triển; các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách; trách nhiệm sinh con...
Về dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cụ thể hóa, quy phạm hóa đầy đủ các nhóm nội dung của các chính sách đã được thông qua. Thứ trưởng đánh giá phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Tuy nhiên, cần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các nội dung nêu tại Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó chú ý các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bổ dân số hợp lý, thực hiện lồng ghép có hiệu quả yếu tố dân số trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch, phát huy tối đa thời kỳ dân số vàng...; Kết luận 149-KL/TW năm 2025 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng nhấn mạnh, dự thảo Luật có liên quan đến rất nhiều luật khác, do đó, cơ quan chủ trì cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
M.Khang