Tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển ngành năng lượng bền vững

11/07/2025
Tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển ngành năng lượng bền vững
Sáng 11/7, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội thảo “Phản ánh các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật và đề xuất phương án xử lý”, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú và Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh cho biết, với đặc thù là tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, lĩnh vực có tính chất đặc thù, kỹ thuật chuyên sâu, quy mô lớn, yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng; việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, ổn định, có tính khả thi cao là điều kiện tiên quyết để có thể tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, “điểm nghẽn” của quy định pháp luật đặt ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, bảo đảm mục tiêu chiến lược trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trên tinh thần đó, PVN cùng các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đã gấp rút triển khai rà soát các quy định pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, đơn vị; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ để tạo động lực, nguồn lực phát triển trong tương lai. 
 
Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh phát biểu tại Hội thảo.
 
Do đó, Hội thảo là cơ hội để PVN có thể trình bày, trao đổi, thảo luận chi tiết, tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp luật liên quan đến các lĩnh vực cốt lõi, trọng yếu của PVN, cụ thể: việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, thiếu thống nhất giữa các luật và văn bản dưới luật; quy định không rõ ràng, nhiều cách hiểu, thiếu khả thi; thủ tục hành chính còn phức tạp, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, hạn chế động lực đổi mới sáng tạo; thiếu cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho các lĩnh vực, ngành nghề mới, động lực tăng trưởng; quy định về lao động, môi trường, an toàn còn chưa phù hợp thực tiễn sản xuất liên tục.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trưởng Ban Pháp chế và Quản lý đấu thầu PVN đã trình bày nhiều vướng mắc pháp lý có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên. Các điểm nghẽn lớn bao gồm sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật, thiếu nhất quán giữa các luật và văn bản dưới luật như quy định ký quỹ đầu tư, thủ tục môi trường, thuế giá trị gia tăng, chỉ định nhà đầu tư điện gió ngoài khơi... Những bất cập này làm tăng rủi ro pháp lý, kéo dài thời gian phê duyệt dự án, phát sinh thủ tục không cần thiết và gây tốn kém chi phí.
Ngoài ra, nhiều quy định hiện hành còn thiếu rõ ràng, khả thi, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau, làm giảm tính chủ động, tiềm ẩn rủi ro khi thanh kiểm tra, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Các thủ tục tài chính - kế toán, tín dụng, đầu tư còn rườm rà, chưa phù hợp với doanh nghiệp lớn, công nghiệp đặc thù, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án chiến lược. PVN cũng thiếu cơ chế ưu đãi tài chính - tín dụng đặc thù cho lĩnh vực mới như điện LNG, hydrogen, năng lượng tái tạo…, khiến khó thu hút đầu tư, lỡ thời cơ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. 
 
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trưởng Ban Pháp chế và Quản lý đấu thầu PVN phát biểu tại Hội thảo.
 
Mặt khác, các quy định về lao động, môi trường, an toàn còn cứng nhắc, chưa phù hợp với đặc thù sản xuất liên tục, gây khó khăn trong vận hành và tận dụng chuyên gia nước ngoài. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, PVN phản ánh sự thiếu đồng bộ trong quy định về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, ưu đãi thuế, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp... đã và đang làm giảm động lực đầu tư đổi mới sáng tạo. 
Những bất cập nêu trên cần sớm được rà soát, sửa đổi để tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, đồng bộ và phù hợp thực tiễn đặc thù của doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như PVN.
Kết luận Hội thảo, ghi nhận những đóng góp, đề xuất của PVN, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho rằng, nhiều quy định pháp luật hiện hành bộc lộ sự thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thực tiễn thi hành. Do đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định là cần thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
 
 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận. 
 
Thứ trưởng đề nghị PVN rà soát, tổng hợp các vướng mắc và kiến nghị theo hướng phân nhóm rõ ràng để phục vụ việc góp ý hoàn thiện các nghị định đang được sửa đổi, như Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư số 68, Nghị định hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ. 
Cụ thể, các nội dung cần được phân theo ba nhóm chính: nhóm liên quan đến các nghị định đang trong quá trình xây dựng, sửa đổi; nhóm vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật; nhóm liên quan đến bất cập trong quy định pháp luật - thực hiện theo cấu trúc phân nhóm ưu tiên của Bộ Tư pháp. 
Đối với một số vấn đề cụ thể, Thứ trưởng cho biết, việc thương mại hóa kết quả khoa học - công nghệ đã được cho phép tại Điều 8 Nghị quyết 193 của Quốc hội; nội dung liên quan đến E&P đã được giải quyết, nhưng Bộ Tư pháp sẵn sàng phối hợp nếu cần tiếp tục xử lý; với những vướng mắc, đề nghị PVN tiếp tục cung cấp thêm thông tin từ thực tiễn để Bộ có căn cứ nghiên cứu, kiến nghị phù hợp. 
Thứ trưởng thống nhất với chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh về việc khẩn trương hoàn thiện báo cáo theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là các vấn đề lớn cần gửi Bộ Chính trị trước ngày 30/7. Bộ Tư pháp khẳng định sẵn sàng đồng hành, ủng hộ PVN trên cơ sở các đề xuất phù hợp với thực tiễn và định hướng thể chế.
H.G