Tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật, kiến tạo cơ chế mới từ thực tiễn quản lý

11/07/2025
Tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật, kiến tạo cơ chế mới từ thực tiễn quản lý
Chiều 11/7, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì Hội nghị “Trao đổi giải pháp, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ rà soát, cho ý kiến về kết quả, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật”.
Đồng chủ trì có Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính Hồ Quang Huy và Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương. 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 206/2025/QH15 ngày 24/6/2025 về cơ chế đặc biệt để xử lý các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật (Nghị quyết 206), bên cạnh cơ chế xử lý truyền thống theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Theo Nghị quyết 206, có 03 nhóm vướng mắc chính cần rà soát đó là: vướng mắc do quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; vướng mắc do quy định không còn khả thi, không phù hợp thực tiễn; vướng mắc do quy định gây gánh nặng chi phí tuân thủ, cản trở đổi mới sáng tạo, chưa thúc đẩy huy động nguồn lực phát triển.
Do đó, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ rà soát tại các Bộ, ngành, địa phương, nắm bắt những khó khăn trong triển khai và tiếp nhận các kiến nghị cụ thể để hoàn thiện thể chế pháp luật.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính Hồ Quang Huy đã trình bày khái quát nội dung về yêu cầu, tiến độ, tình hình thực hiện và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
 
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính Hồ Quang Huy phát biểu tại Hội nghị. 
 
Trong đó, các Bộ, ngành cần bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, khẩn trương xây dựng Báo cáo kết quả rà soát theo đúng thời hạn và chất lượng, tập trung vào các điểm nghẽn lớn như mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không khả thi, hoặc quy định tạo cách hiểu khác nhau, cần xử lý theo Nghị quyết 206. Kết quả rà soát phải được cập nhật thường xuyên lên Hệ thống báo cáo trực tuyến của Bộ Tư pháp.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cần chủ động theo dõi, tham gia phản biện, cho ý kiến với tinh thần trách nhiệm, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định, công tác rà soát vướng mắc do quy định pháp luật là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang triển khai sắp xếp lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp. Mặc dù nhiều khó khăn xuất phát từ khâu tổ chức thi hành, tuy nhiên trọng tâm hiện nay là xử lý các vướng mắc phát sinh từ chính quy định pháp luật.
Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, xác định chính xác vướng mắc thực chất, chia theo ba nhóm đã được Quốc hội quy định tại Nghị quyết 206. Việc rà soát phải tránh hình thức, cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm, có tác động lớn, gắn với thực tiễn quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương. Chất lượng là yêu cầu hàng đầu, nhưng cũng phải bảo đảm đúng tiến độ vì thời gian triển khai rất gấp rút.
Thứ trưởng khẳng định Bộ Tư pháp sẵn sàng phối hợp trao đổi, phản biện với các đơn vị ở cả ba giai đoạn trước, trong và sau khi gửi báo cáo chính thức. Sau khi tiếp nhận báo cáo từ các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành sàng lọc và gửi lại cho các đơn vị có liên quan để cùng hoàn thiện. 
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Bộ Tư pháp đã xây dựng phần mềm hỗ trợ, tuy còn một số hạn chế, song sẵn sàng tiếp nhận mọi phản ánh, góp ý để nâng cấp, hoàn thiện. Các vướng mắc trong thao tác phần mềm có thể gửi về Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính hoặc Cục Công nghệ thông tin để được hỗ trợ tối đa.
Cuối cùng, Thứ trưởng kêu gọi sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm từ các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm hoàn thành nhiệm vụ không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về yêu cầu chính trị quan trọng. Thứ trưởng mong muốn các cơ quan cùng đồng hành, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm đúng hạn.
H.G