Hội thảo Pháp ngữ khu vực “Kinh nghiệm các nước Pháp ngữ về các nghề bổ trợ tư pháp” tại Phnôm Pênh, Campuchia

12/10/2011
Hội thảo Pháp ngữ khu vực “Kinh nghiệm các nước Pháp ngữ về các nghề bổ trợ tư pháp” tại Phnôm Pênh, Campuchia
Thực hiện chương trình hoạt động năm 2011, với sự tài trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Nhà Pháp luật Việt-Pháp đã phối hợp với Bộ Tư pháp Campuchia tổ chức Hội thảo Pháp ngữ khu vực “Kinh nghiệm các nước Pháp ngữ về các nghề bổ trợ tư pháp” ngày 06 và 07 tháng 10 năm 2011 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Kể từ ngày thành lập năm 1993, đây là lần thứ hai Nhà Pháp luật Việt-Pháp tổ chức một hội thảo ngoài Việt Nam nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác giữa luật gia các nước trong khu vực.

Tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo có trên 20 chuyên gia đến từ 06 nước ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương: Pháp, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Vanuatu. Khoảng 150 đại biểu Campuchia là đại diện Bộ Tư pháp, các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, cơ quan thông tấn báo chí tại Phnôm pênh và 46 Chánh án, Phó Chánh án và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện công tố của 24 tỉnh thành Campuchia. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Campuchia Ang Vong Vathana, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Campuchia Christian Connan và đại diện nhà tài trợ - Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ dẫn đầu, Đoàn Lào do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ket Kiettisak dẫn đầu. Ngoài chương trình Hội thảo, Đoàn Việt Nam và Đoàn Lào còn có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Campuchia.

Hội thảo tập trung trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của các nghề bổ trợ tư pháp, trong đó chú trọng đến nghề luật sư, công chứng và thừa phát lại. Sau các bài giới thiệu tổng quan về các nghề bổ trợ tư pháp ở mỗi nước là bài giới thiệu về từng nghề luật sư, công chứng và thừa phát lại của từng nước, đề cập đến thực trạng cũng như triển vọng phát triển của các nghề này trong tương lai. Qua các bài tham luận cho thấy một số điểm khác biệt giữa các nước về hệ thống tổ chức, hoạt động các nghề bổ trợ tư pháp, đặc biệt liên quan đến quy chế của bổ trợ viên tư pháp là công chức nhà nước hay là người hành nghề tự do. Tuy nhiên, ở những mức độ khác nhau, trong khuôn khổ cải cách pháp luật và tư pháp, các nước trong khu vực đang tiến hành nghiên cứu cải cách các nghề bổ trợ tư pháp nhằm tăng cường năng lực, nâng cao vị trí, vai trò của các nghề này trong xã hội. Khuynh hướng chung hiện nay là xã hội hóa dần dần các nghề này nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đáp ứng được các điều kiện luật định được tham gia cung cấp các dịch vụ pháp lý và tư pháp cho người dân, góp phần giảm tải gánh nặng về ngân sách và nhân lực cho Nhà nước. Qua đó nổi bật lên vai trò không thể thiếu được của các nghề bổ trợ tư pháp trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền.

Hội thảo là cơ hội quý báu cho luật gia các nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm pháp luật cũng như thực tiễn hành nghề trong hoạt động bổ trợ tư pháp. 

Nhà Pháp luật Việt-Pháp