Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tích cực để tham gia các định chế tài phán quốc tế

05/10/2011
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tích cực để tham gia các định chế tài phán quốc tế
Chiều ngày 3/10, Chủ tịch nước - Trưởng ban chỉ đạo CCTP TƯ Trương Tấn Sang cùng các đồng chí thường trực Ban Chỉ đạo CCTP TƯ, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng TƯ Đảng đã đến thăm và làm việc tại Học viện Tư pháp.

Vẫn khó ở đào tạo “3 chung”

Báo cáo về kết quả hoạt động 13 năm qua của Học viện Tư pháp do Giám đốc Học viện Phan Chí Hiếu trình bày cho thấy, Học viện được định hướng phát triển thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp (CDTP) theo Nghị quyết số 49-NQ/TƯ với mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến cơ bản trong chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình đào tạo, mở rộng qui mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, do tính chất mới mẻ của mô hình đào tạo các CDTP ở Việt Nam, các thể chế liên quan đến công tác đào tạo các CDTP chưa đồng bộ, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành hữu quan trong công tác đào tạo các DCTP chưa hiệu quả, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa phát triển ngang tầm với nhiệm vụ được giao nên hoạt động của Học viện thời gian qua vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn và hạn chế nhất định, nhất là về việc triển khai chương trình đào tạo chung 3 chức danh luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên.

Từ thực trạng của Học viện trước yêu cầu phát triển, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, những “khúc mắc” trong triển khai đào tạo chung 3 chức danh LS, TP, KSV là do chưa thống nhất về nhận thức của các ngành nên Ban chỉ đạo CCTP TƯ cần có quyết sách rõ về vấn đề này. “Đây là vấn đề chung, mới nên cần được giải quyết nhanh, không nên để kéo dài, dễ gây phân tâm” - Bộ trưởng đề nghị.

Sắp tới, UBTVQH cũng sẽ xây dựng Pháp lệnh về đào tạo các CDTP (có qui định đến vấn đề thi tuyển quốc gia) và sửa đổi Luật LS để khắc phục độ “vênh” về thời gian đào tạo chức danh LS so với thẩm phán (theo qui định hiện hành, 2 chức danh này có thời gian đào tạo chênh nhau 6 tháng).

Đào tạo cần chú ý đến đào tạo lại

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoan nghênh những cố gắng của Học viện Tư pháp trong hoạt động đào tạo và cho rằng “đây là những kết quả quan trọng, góp phần giải quyết hạn chế thiếu sót của đội ngũ cán bộ có CDTP so với yêu cầu”.

Nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo chung 3 chức danh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt vì “là chuyện đại sự”. Để có quyết định cuối cùng, Chủ tịch nước cho biết sẽ khảo sát tất cả các cơ sở đào tạo CDTP (của TATC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp). Ngoài ra, cần lưu ý đến vấn đề đào tạo lại với việc cập nhật những kiến thức quốc tế liên quan đến các hoạt động của mình. Theo Chủ tịch nước, “nếu đào tạo “nền” mà không chú ý bồi dưỡng thì không thể đáp ứng yêu cầu phát triển”.

Chủ tịch nước cũng đã chỉ ra, chất lượng và số lượng đào tạo của Học viện còn thiếu so với nhu cầu của các cơ quan tư pháp và cho rằng “không thể tách rời trách nhiệm của lãnh đạo Học viện và các cấp, ngành liên quan”. Đặc biệt, việc Việt Nam chưa có đại diện tham gia các tổ chức tài phán quốc tế dù có gần 90 triệu dân, hội nhập sâu rộng, tham gia vào nhiều định chế, tổ chức tài chính, chính trị trên thế giới được Chủ tịch nước nhận định là “một thiết sót nghiêm trọng” nên “phải khẩn trương làm quen với yêu cầu này”.

Để phát triển lâu dài, trước hết phải lo phát triển đội ngũ giảng viên vì “đây là “máy cái” để “kéo” Học viện phát triển bền vững”. Muốn vậy, “cần xem xét đến chế độ, không nên để khó khăn đến mức không thể thu hút được giảng viên. Đội ngũ giảng viên phải vươn lên trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cần thỉnh giảng giảng viên của thế giới khi chưa đủ giảng viên trong nước. Yêu cầu hiện rất khác, chấp nhận cuộc đua mới thì phải trang bị cho mình hành trang nhất định” - Chủ tịch nước nhắc nhở tập thể Học viện Tư pháp./.

H.Giang