Kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại Nghệ An, Thanh Hóa

30/09/2011
Tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, trong tháng 9/2011, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường do đồng chí Phạm Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Nghệ An (trong hai ngày 19 và 20/9/2011) và tỉnh Thanh Hóa (trong hai ngày 22 và 23/9/2011)

Sau khi làm việc với Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, đại diện các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, đại diện các tổ chức hành nghề công chứng và một số tổ chức tín dụng của tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hoạt động ĐKGDBĐ tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)

Trên cơ sở nắm bắt nội dung báo cáo, trao đổi thảo luận trực tiếp với các thành phần có liên quan, đơn vị được kiểm tra và kết quả kiểm tra thực tế tại các Văn phòng đăng ký cho thấy, trong thời gian qua, tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, công tác ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai và dần đi vào nề nếp. Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các Sở, ngành có liên quan bước đầu đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ trên địa bàn tỉnh.

 

 

Tại các địa phương nơi Đoàn kiểm tra làm việc, số lượng biên chế của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tuy vẫn còn ít và trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký chưa đồng đều, nhưng các đơn vị đã cố gắng bố trí, sắp xếp từ 01 đến 02 cán bộ chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký theo theo đúng hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ và thời hạn đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Những kết quả đạt được trong công tác ĐKGDBĐ đã góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, từ đó thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác ĐKGDBĐ hai tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, ví dụ như: Đến thời điểm hiện nay, Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường của các địa phương nêu trên chưa có văn bản, chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Nghị định 83/2010/NĐ-CP; sổ địa chính tại một số Văn phòng đăng ký chưa được tạo lập đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến công tác cập nhật, lưu trữ hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được thực hiện theo đúng hướng dẫn của các Thông tư liên tịch…

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn đã có những đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại hai địa phương này. Bên cạnh đó, tại cuộc họp với các Sở, ngành và tổ chức có liên quan của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Đoàn công tác cũng đã có ý kiến giải đáp, giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng và đăng ký hợp đồng bảo đảm thời gian qua.

Nguyễn Thị Thu Thủy