Tọa đàm đánh giá hiệu quả Chương trình hợp tác 3 năm (2009-2011) trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức

07/10/2011
Tọa đàm đánh giá hiệu quả Chương trình hợp tác 3 năm (2009-2011) trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức
Sáng nay (07/10), Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức đã phối hợp tổ chức tọa đàm nhằm đánh giá hiệu quả Chương trình hợp tác 3 năm (2009-2011) trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hoàng Thế liên và Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Châu Âu bang Sachsen, CHLB Đức Wilfried Bernhardt cùng chủ trì Tạo đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: Chương trình hợp tác 3 năm đã đi gần hết chặng đường và đã đạt được những kết quả quan trọng, Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động đã cho thấy một số hạn chế, cần được đánh giá một cách nghiêm túc, từ đó tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Vì vậy, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức đã phối hợp xây dựng, triển khai kế hoạch đánh giá Chương trình.

Tại Tọa đàm lần này, các đại biểu sẽ thảo luận và đóng góp ý kiến dự thảo Báo cáo đánh giá do chuyên gia độc lập của hai phía thực hiện. Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá và các kiến nghị được đưa ra trong quá trình thảo luận, tọa đàm sẽ tập trung cho ý kiến nội dung, hình thức và phương pháp triển khai chương trình hợp tác giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá kết quả, các đối tác phía Việt Nam đều cho rằng: nhiều hoạt động của Chương trình đã được thực hiện có hiệu quả và đã để lại những dấu ấn tích cực trong hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn vướng mắc nhất định đòi hỏi hai bên phải trao đổi thống nhất.

Các cơ quan tham gia thực hiện Chương trình phía Việt Nam mong muốn tiếp tục thực hiện Chương trình dựa trên Chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới cũng như thế mạnh của hệ thống pháp luật Đức.

Kết quả đánh giá về phía Đức cũng cho thấy: phản hồi của các tổ chức liên quan đều mang tính tích cực, hầu hết đều ủng hộ việc tiếp tục thực hiện Chương trình. Theo quan điểm của một số tổ chức có liên quan thì việc tăng cường cơ chế điều phối có thể đảm bảo đạt được tốt hơn các mục tiêu đề ra trong tương lai. Nhiều nội dung pháp luật khác nhau có thể được xem xét cho chương trình công tác tiếp theo và các nội dung này có thể đem lại lợi ích cho cả 2 bên; cần có một nghị định thư chung nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra thông qua một khung quy định cụ thể.

Thảo luận tại Tọa đàm, một số ý kiến được nêu lên như: việc tập trung rút gọn các nội dung của Chương trình có thật sự hợp lý; những kiến thức thu được từ các hoạt động của Chương trình là rất hữu ích, nên cần phải có các biện pháp lưu giữ và phổ biến thích hợp; cơ chế điều phối cần phải có những thay đổi để phát huy hiệu quả hơn nữa trên thực tế....

Tại Tọa đàm, cơ quan điều phối và đầu mối phía Việt Nam cũng đã đưa ra những khả năng và mục tiêu cho giai đoạn hợp tác tiếp theo.

P.N

Chương trình hợp tác 3 năm (2009-2011) bao gồm 11 lĩnh vực lớn với 44 chủ đề hợp tác phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của gần 40 cơ quan, tổ chức của Việt Nam và các đối tác Đức.

Các hình thức hợp tác trong Chương trình hết sức phong phú và linh hoạt, từ các hình thức truyền thống như trao đổi kinh nghiệm thông qua các cuộc Hội thảo, tọa đàm, các đoàn nghiên cứu, khảo sát, trao đổi tài liệu, ấn phẩm tới các hình thức hiện đại như hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật của mỗi nước thông qua báo chí và trang web Việt - Đức. Bên cạnh đó, Chương trình cũng khuyến khích các đối tác bổ sung các hình thức hợp tác phù hợp với từng lĩnh vực trong khuôn khổ Chương trình hợp tác chung.