Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được ban hành với những chủ trương, chính sách lớn, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề luật sư bền vững ở Việt Nam, trong đó chú trọng đến việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến dự và chủ trì Hội thảo có bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thái Phúc, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Về đại biểu của các địa phương, có sự tham gia của các Giám đốc, Phó Giám đốc, các Trưởng, Phó phòng Bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, các cơ quan, ban ngành địa phương, cơ quan thông tin đại chúng, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và đông đảo đội ngũ luật sư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội thảo đã nghe bà Đỗ Hoàng Yến trình bày về những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, trong đó tập trung vào các mục tiêu, định hướng, giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 gồm 5 nhóm giải pháp chính đó là: (i) hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư; (ii) nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, thu hút nguồn lực tham gia hoạt động hành nghề luật sư; tạo nguồn để bổ sung nhân lực cho các chức danh tư pháp và chức danh quản lý nhà nước từ đội ngũ luật sư; (iii) củng cố, kiện toàn, nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề luật sư; phát triển một số tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn, hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật; (iv) nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề luật sư, xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển hoạt động hành nghề luật sư, đảm bảo luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm trong hoạt động hành nghề; (v) tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư.
Về công tác tổ chức thực hiện, Chiến lược xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các tập đoàn kinh tế của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược. Vai trò của Liên đoàn luật sư trong triển khai thực hiện Chiến lược được nhấn mạnh, coi như một trong những chủ thể chính trong việc triển khai thực hiện Chiến lược, nhất là đối với các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư như phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục về chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho luật sư...v.v.
Hội thảo còn được nghe các tham luận của Lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh về “Vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”, tham luận của đại diện Liên đoàn luật sư Việt Nam về “Các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược”, tham luận của các doanh nghiệp về “vai trò của đội ngũ luật sư trong hoạt động của doanh nghiệp".
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về Đề cương sơ bộ của Kế hoạch tổng thể và lộ trình triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
Để tiếp tục giới thiệu những nội dung cơ bản của Chiến lược đến năm 2020 và thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức Hội thảo triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam, số 14 Trần Bình Trọng, thành phố Hà Nội vào ngày 24 tháng 8 năm 2011 cho các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Phạm Thùy Linh