Khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

15/08/2011
Khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ngày 11/8/2011, Đoàn khảo sát liên ngành gồm đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã có buổi Tọa đàm khảo sát thực trạng về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cụ thể:

Tại buổi Tọa đàm, Đoàn khảo sát liên ngành đã giới thiệu về Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 được ban hành theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Chương trình 585); mục đích, yêu cầu của hoạt động khảo sát; dự kiến các hoạt hoạt động thực hiện trong khuôn khổ Chương trình 585; trao đổi về cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động của Chương trình 585.

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nội dung Chương trình 585, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề xuất Ban Quản lý Chương trình 585 được triển khai các hoạt động:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động phổ biến pháp luật trên trang web của VCCI như www.vibonline.com.vn; www.chongbanphagia.vn và www.vcci.com.vn bằng việc nâng cấp nền tảng công nghệ, giao diện; tăng cường đăng tải các đề cương phổ biến pháp luật, các câu hỏi đáp, vướng mắc, bản án liên quan, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật mới.

Thứ hai, phụ trách triển khai một hoạt động (bao gồm việc thiết kế chương trình, giáo trình, xuất bản, tổ chức khoá đào tạo, tuyên truyền, phổ biến) là thế mạnh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam như: khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp; đầu tư; hợp đồng, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh; lao động, tiền lương, giải quyết tranh chấp lao động; hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, đối phó hiệu quả với các rào cản thương mại, minh bạch hóa trong các hoạt động kinh doanh thông qua hoạt động phổ biến, tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho doanh nghiệp về pháp luật thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, các kinh nghiệm từ các vụ kiện chống bán phá giá ở các nước, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với bộ ngành, địa phương trong việc phối hợp trả lời vướng mắc, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Đề nghị được tham gia vào các chương trình nâng cao năng lực phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.